Dẫn nước suối về ao nuôi cá - Hướng làm ăn mới của người dân Khe Ngậu
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở bản Khe Ngậu, xã Xá Lượng tận dụng nguồn nước tự nhiên từ các con khe để đào ao nuôi cá, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Người dân tận dụng nguồn nước tự
nhiên ở các con khe mua ống dẫn nước về đào ao nuôi cá. Ảnh: Đình Tuân
Bản Khe Ngậu, xã Xá Lượng, huyện
Tương Dương là quần cư của đồng bào dân tộc Thái. Toàn bản có 156 hộ, nhưng có
hơn một nửa hộ dân tận dụng nguồn nước tự nhiên từ các con khe để đào ao nuôi
cá. Cách làm này đã và đang mang lại hiệu quả đáng kể cho người nông dân. Theo
số liệu thống kê, hiện toàn bản Khe Ngậu có tới 86 ao thả cá, mỗi
ao có diện tích khoảng 200-250m2.
Khai thác nguồn nước sạch từ con
khe trong bản, từ năm 2018, gia đình anh Lương Văn Pắn đã đầu tư trên 100 triệu
đồng mua ống dẫn nước, đào ao, mua cá giống và các vật dụng cần thiết để nuôi
cá.
Anh Pắn cho biết: Nhận thấy nguồn
nước từ các con khe trong bản sạch, chảy quanh năm nên tôi quyết định đầu tư lắp
đặt hệ thống ống dẫn nước và đào ao thả cá. Bước đầu tôi chỉ đào một ao, nhưng
sau khi nuôi nhận thấy có hiệu quả nên một năm sau tôi quyết định thuê máy đào
thêm một ao mới nữa. Đến nay hai ao của gia đình có diện tích khoảng gần 2.000m2.
Hàng năm, gia đình nuôi thả các
loại giống cá truyền thống: Trăm, trôi, mè... Tôi thường chọn những con giống
khỏe, cá đồng cỡ từ 0,7 - 0,8 kg/con, cá nuôi sẽ ít bệnh, mua về nuôi thêm khoảng
1 năm, trọng lượng tăng nhanh khoảng 4 - 5 kg/con có thể xuất bán. Mỗi năm, gia
đình thu hoạch được 3-5 tạ cá thịt, thu lãi về 30-50 triệu đồng.
Gia đình anh Lương Văn Pắn tận dụng hết diện tích đất vườn để trồng chuối, sắn, cỏ voi để làm thức ăn cho cá. Ảnh: Đình Tuân
“Khu vực này, điều kiện nuôi cá
khá thuận lợi do nước đầu nguồn sạch, chảy quanh năm. Người nuôi có thể kiểm
soát được mực nước ra vào phù hợp. Tuy là cá ao nhưng chất lượng thịt cá không
khác gì cá sông, cá suối, vì có nguồn nước thay đổi liên tục. Vì vậy, bán với
giá cao, được thị trường ưa chuộng", anh Pắn cho biết.
Ở bản Khe Ngậu không chỉ có gia
đình anh Pắn mà còn có nhiều gia đình nuôi cá có hiệu quả. Ông Lô Ngọc Tin đang
cho cá ăn cho hay, trước đây khu này vốn là diện tích ông trồng sắn, trồng ngô
nhưng kém hiệu quả, nên gia đình ông đã đầu tư kinh phí đào ao thả cá.
Ông Tin chia sẻ: “Nguồn thức ăn của
cá cũng dễ kiếm như: Bèo tấm, lá sắn, lá chuối, cỏ voi... đều được tận dụng trồng
trong vườn nhà. So với nuôi bò, nuôi lợn, tôi thấy nuôi cá nhẹ công chăm sóc và
thu nhập ổn định hơn nhiều. Mỗi ngày chỉ dành tầm 1-2 giờ đồng hồ vừa kiếm thức
ăn, vừa cho cá ăn. Sau thời gian này có thể làm các công việc khác. Nhờ nuôi cá
mà mỗi năm gia đình tôi có thu nhập từ 30-40 triệu đồng”.
Nhờ nguồn thức ăn dồi dào, nguồn
nước sạch nên cá sinh trưởng và phát triển nhanh. Ảnh: Đình Tuân
Theo ông Tin, để nuôi cá đạt hiệu
quả cao, cần đảm bảo tốt các điều kiện về diện tích, mực nước, con giống, chế độ
chăn thả, chăm sóc, phòng dịch bệnh. Cá giống phải có kích cỡ đồng đều, không
xây xát. Ngoài ra, cần chú ý phòng ngừa bệnh cho cá. Trước mỗi vụ nuôi phải tiến
hành tẩy vôi để diệt cá tạp và mầm bệnh bằng cách rải vôi bột đáy ao, đồng thời
phát quang cỏ, cây bụi xung quanh ao nuôi. Trong quá trình nuôi, phải thường
xuyên chú ý, nếu có biểu hiện cá bị nấm, ngay lập tức phải lấy lá xoan, lá bớp
bớp thả xuống ao để xử lấy bệnh nấm cho cá.
Anh Kha Danh Tú, Trưởng bản Khe
Ngậu, cho biết: Toàn bản có 156 hộ nhưng có hơn một nửa bản có ao nuôi cá. Trước
đây, từ chỗ chỉ nuôi để cung cấp thêm thực phẩm cho gia đình, nay nhiều gia
đình trong bản đã mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản thành hàng hóa. Cùng với
việc đảm bảo nguồn thức ăn cho cá, các hộ dân đã chú trọng việc chăm sóc, phòng
bệnh theo mùa nên sản lượng thả nuôi của bà con hiện nay khá ổn định. Hàng năm
sản lượng cá của toàn bản từ 1,5 – 2 tấn.
Theo bà Lô Thị Trà My, Chủ tịch
UBND xã Xá Lượng, trước đây chỉ một số ít người dân bản Khe Ngậu nuôi cá ao,
nhưng khi thấy cho thu nhập ổn định nên nhiều người đã học hỏi và làm theo. Có
thể thấy, mô hình nuôi cá đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới tại địa phương,
giúp nông dân làm giàu chính đáng trên phần đất canh tác của mình./.