Những tấm lòng đầy cảm động!

Tình người

Ngày 15/9/2013, một ngày chủ nhật đẹp trời, đoàn văn nghệ sỹ chúng tôi có một chuyến đi thực tế vào Bản Vẽ thật nhiều cảm xúc. Sáng sớm, với 4 xe máy, chúng tôi học theo dân “phượt” một chuyến. Đoàn gồm 8 thành viên trong đó 2 nhà nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp của Hội Nhiếp ảnh Việt Nam và 6 thành viên của hội văn nghệ sỹ Tương Dương. Sau một buổi sáng làm việc hết công suất, gặt hái được khá nhiều thành công, chúng tôi nghỉ ăn trưa tại bến thượng lưu 30 phút. Rồi chia thành hai nhóm đi về hai hướng khác nhau. Dưới cái nắng oi ả của buổi ban trưa, theo hướng dòng nậm nơn nhóm chúng tôi gồm 5 người đi về phía thủy điện Nậm Nơn với hi vọng tìm được những khoảnh khắc đẹp cho bộ sưu tập ảnh của mình. Đường đi rất khó khăn cùng sự buồn ngủ và cái nóng làm cho chặng đường như dài thêm. Qua một bản, rồi hai bản,… đến đâu chúng tôi cũng tìm được những khoảng lặng ý nghĩa: Các em bé tắm trưa, chị gái Thái địu con trên lưng hay những chiếc cầu treo rất đẹp. Nhưng đó chưa phải là điều ý nghĩa nhất mà chúng tôi ghi lại được. Tình cờ khi vào xin nước uống của một nhà ven đường, cả nhóm chúng tôi được nghe một câu chuyện thấm đẫm tình người. Anh chủ nhà giới thiệu mình là Vi Đức Thoại, sinh năm 1980 – Bí thư Đoàn xã Lượng Minh, vợ là Lương Thị Hồng, sinh năm 1985 – Hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Lưu Phương, xã Lượng Minh, vợ chồng anh chị có 1 cháu trai 12 tuổi hiện đang học tại trường PTDTNT THCS Tương Dương, gia đình là người dân tộc Thái. Chúng tôi rất lấy làm lạ, vì trên giường đang có một chị gái nằm nhìn chúng tôi cười mà không thấy anh giới thiệu, khi chúng tôi có ý hỏi thì được nghe anh Thoại kể một câu chuyện mà sau khi ra khỏi nhà anh chúng tôi mới thấy được chữ “Tình người” nó cao cả và ý nghĩa đến nhường nào.

Chị tên thường gọi là Xu In sinh khoảng từ năm 1976 đến 1978, không rõ quê quán ở đâu, chỉ biết chị đến bản này khoảng 2 năm trước. Khi lần đầu tiên thấy chị là ở nghĩa địa của bản, sau đó chị được dân bản đưa về và cho ăn cơm. Từ đó, chị không rời khỏi bản mà chị thích ở nhà ai thì chị đến ở, cũng không ai đuổi chị dù biết chị bị điên. Một điều thú vị là chị bị điên nhưng tính tình rất hiền lành, sạch sẽ, thích ở nhà to, đẹp, chị biết làm tất cả mọi việc của gia đình từ nấu ăn, bế củi, giặt giũ,… Có lẽ chị được sinh ra trong nhà có điều kiện nhưng vì một cú sốc nào đó mà trở nên như thế.

Được biết chị đến nhà anh Thoại đã hơn 2 tháng, khi đến chị để tóc dài nhưng nay đã cắt ngắn cho gọn gàng hơn. Khi chúng tôi hỏi anh tại sao lại cho người lạ ở khi biết chị này là người bị điên? Anh chỉ nói một câu thôi “Thì thấy hắn tội thì cho hắn ở, hắn bị điên nhưng không làm chi ai và cũng hiền”. Thế cứ cho chị ấy ở mãi thế à? “Khi mô hắn thích đi thì hắn đi, thích ở thì cứ ở”. Anh tiếp tục kể với chúng tôi: “Hắn không ở nhà ai quá 5 tháng cả. Khi hắn tỉnh hắn nói hắn ở Kỳ Sơn, chồng hắn là công an. Ở với nhà em thì hay lắm, hắn thích ngủ giường nào là hắn ngủ, vợ chồng em phải nhường cho hắn, có hôm hắn nằm bên này một tí, hắn lại sang bên tê (kia) làm vợ chồng em phải xuống trải chiếu dưới nhà ngủ. Còn quần áo hắn thì không ai được giặt cả, có hôm vợ em giặt hắn chê bẩn rồi giặt lại, nhìn hay lắm”. Anh trả lời chúng tôi rất vô tư và thật thà. Chị Xu In nằm đó, với gương mặt trông ngây thơ cứ nhìn hết người này đến người khác rồi cười như một đứa trẻ. Trước khi lên đường, chúng tôi xin phép anh chị cho chúng tôi chụp gia đình một tấm ảnh làm kỷ niệm mà vận động mãi anh chị mới chịu vì sợ bị đưa lên mặt báo, chúng tôi lại thấm hơn cái nghĩa cử cao đẹp, cái tình người sâu sắc của con người nơi đây. Ra đến cửa, một sự ngạc nhiên nữa làm nhóm chúng tôi rất bất ngờ. Chị Xu In bắt tay chúng tôi và nói: “Xăm bai nơ”, đây đâu phải là điệu chào tạm biệt của người dân tộc Thái. Một câu hỏi nữa được mỗi thành viên đặt ra “Liệu chị có phải là người Việt Nam, hay chị ở bên kia biên giới?”…

Câu chuyện làm chúng tôi rất xúc động, ai cũng tự đặt ra cho mình một câu hỏi và một lời tự giải thích tại sao gia đình anh chị cũng như dân bản lại có một tình thương yêu đồng loại đầy tính nhân văn đến như vậy. Trong khi nhìn gia cảnh của gia đình anh cũng như dân bản có mấy nhà dư giả đâu. Phải chăng càng khó khăn thì tình người càng thêm bền chặt? Tôi tự  hứa với mình sẽ viết về gia đình anh và viết về tấm lòng nhân ái của bà con dân bản Lưu Phương. Trời đã về chiều, trong lòng chúng tôi ai cũng vui hơn khi nghĩ về chặng đường vừa đi qua. Tình người, thật ấm áp và tràn đầy niềm yêu thương.

Câu chuyện này tôi viết lên trong lúc chúng ta đang thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hi vọng rằng mỗi chúng ta hãy cố gắng làm một điều gì đó có ý nghĩa cho xã hội, dù là việc nhỏ nhất.

Tác giả: Xuân Việt

image
Tin tức
TRANG TRUYỀN HÌNH
  • Thì thầm Tương Dương
1 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1