Từ những thanh tre, mét qua bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người dân, đã cho ra thị trường những đôi đũa nhẵn, đều, đẹp, vàng óng. Đặc biệt, bằng bí quyết riêng, những đôi đũa tre này không bao giờ bị mốc mà còn có màu sắc đẹp mắt.
Việc vót đũa tre, mét đã gắn bó từ lâu đời với rất nhiều gia
đình vùng cao. Đến nay, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Tương Dương vẫn duy
trì, gìn giữ nghề vót đũa tre, vừa để dùng trong gia đình, vừa để cung cấp ra
thị trường, phát triển kinh tế. Ảnh: Đình Tuân
Quy trình làm đũa tre hoàn toàn đều bằng thủ công, bắt đầu từ
việc chọn nguyên liệu, đến việc xẻ, bào và vót đũa... Ông Lô Minh Thành, ở bản
Thạch Dương, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương cho biết: Để đũa bền, đẹp, khâu chọn
nguyên liệu cũng rất quan trọng. Tre, mét để làm đũa phải có độ tuổi từ 3 năm
trở lên, nếu non, đũa sẽ mỏng, mềm dẫn đến dễ cong vênh; lóng tre, mét phải dài
và thẳng. Ngoài ra, người vót phải cẩn thận, tỉ mỉ, đôi bàn tay khéo léo mới
cho ra sản phẩm đẹp, ưng ý. Trong ảnh: Ông Thành đang tỉ mẩn vót đũa. Ảnh: Đình
Tuân
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, mỗi chiếc đũa phải được căn
chỉnh sao cho đều tay, đầu nhỏ dần về cuối và không bị cong hoặc lồi lõm. Không
nhiều người vót được bó đũa mà bất cứ chiếc nào ghép với nhau cũng thành một
đôi. Sau khi vót xong phải dùng giấy nhám đánh sạch để những chiếc đũa nhẵn,
bóng rồi tiếp tục đưa ra phơi nắng. Ảnh: Đình Tuân
Ông Thành đưa đũa ra phơi nắng sau khi đã đánh bóng. Ảnh:
Đình Tuân
Sau khi đã vót được những đôi đũa đều và đẹp, một công đoạn
rất quan trọng là nhuộm đũa. Người Thái thường nhuộm đũa bằng nghệ tươi. Ảnh:
Đình Tuân
Nghệ tươi sau khi được lấy về sẽ được giã nhuyễn. Ảnh: Đình
Tuân
Tiếp đến cho một lớp đũa vào nồi rồi đến một lớp nghệ và muối
trắng. Công đoạn này cứ lặp đi, lặp lại cho đến khi hết đũa và nghệ, muối trắng
mới thôi. Rồi cho lên bếp để đun sôi, khoảng 1 giờ đồng sẽ nhắc xuống rồi tiếp
tục mang đũa ra nắng phơi khô. Ảnh: Đình Tuân
Theo bà Lộc Thị Lan (sinh năm 1958), trú ở bản Thạch Dương,
xã Xá Lượng (Tương Dương) bật mí, nghệ sẽ giúp cho đũa được vàng óng, muối trắng
giúp cho đũa không bị mốc, mọt. Vì thế, đũa được bà con sản xuất ra dùng được
lâu lại an toàn cho sức khỏe. Ảnh: Đình Tuân
Trên thị trường có rất nhiều loại đũa có chất lượng, kiểu
dáng đẹp mắt như đũa nhựa, đũa sắt, đũa gỗ, nhưng rất nhiều người dân vẫn ưa
dùng chiếc đũa được làm thủ công bằng cây tre, mét vì thân thiện với môi trường,
không lo hóa chất, phẩm màu, an toàn sử dụng trong mỗi bữa ăn hàng ngày và điều
quan trọng là không bao giờ bị mốc. Hiện nay, nhiều người dân ngoài vót đũa để
dùng, còn vót đũa để bán tăng thêm thu nhập. Được biết, mỗi đôi đũa được bà con
bán với giá 2.000 đồng. Ảnh: Đình Tuân
Đình Tuân