Quan tâm đời sống cộng đồng dân tộc thiểu số khu vực hạ lưu các thủy điện nhỏ
Ngày 19/12, UBND huyện Tương Dương phối hợp với Trung tâm Tư vấn phát triển lâm nghiệp Nghệ An, Ban Quản lý dự án tổ chức Hội thảo thúc đẩy chia sẻ công bằng tài nguyên nước cho cộng đồng dân tộc thiểu số khu vực hạ lưu các thủy điện nhỏ thông qua sự hợp tác giữa cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước tại Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo
Các đồng chí: Nguyễn Hữu Hiến
-Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương; Nguyễn Thành Nhâm- Giám đốc Trung tâm Tư
vấn phát triển lâm nghiệp Nghệ An đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có
lãnh đạo các nhà máy thủy điện Xoóng Con, Nậm Nơn, Bản Ang; đại diện lãnh đạo,
người dân các xã Tam Thái, Lượng Minh, Xá Lượng.
Chủ trì hội thảo
Dự án tổ chức Hội thảo thúc đẩy
chia sẻ công bằng tài nguyên nước cho cộng đồng dân tộc thiểu số khu vực hạ lưu
các thủy điện nhỏ thông qua sự hợp tác giữa cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan
quản lý Nhà nước tại Việt Nam do tổ chức The Stockholm Environment Institute
tài trợ.
Đồng chí Nguyễn Thành Nhâm - Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển lâm nghiệp Nghệ An phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng
chí Nguyễn Thành Nhâm - Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển lâm nghiệp Nghệ An
nhấn mạnh, nước là tài nguyên vô cùng quan trọng, tạo nên sự sống, ảnh hưởng
tác động to lớn, sâu sắc đến đời sống con người, kinh tế - xã hội và môi trường.
Khai thác và phát huy giá trị to lớn của tài nguyên nước ở miền núi, nhiều công
trình thủy điện đã được xây dựng, vận hành và mang lại nhiều giá trị về kinh tế
- xã hội. Qua đó, đóng góp, tạo nguồn năng lượng sạch, nguồn thu ngân sách, chi
trả dịch vụ môi trường rừng, tạo việc làm cho người dân...
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực,
các công trình thủy điện cũng để lại nhiều tác động không mong muốn, ảnh hưởng
bất lợi đến nguồn nước cho sản xuất, đời sống, hạn hán, lũ lụt... Vì vậy, việc
nghiên cứu, đánh giá tác động của thủy điện nhỏ lên KT-XH, môi trường, đa dạng
sinh học, nhất là phía hạ lưu công trình và xây dựng cơ chế hành động chia sẻ lợi
ích và hợp tác giữa doanh nghiệp với cộng đồng, chính quyền các cấp và các bên
liên quan là rất cần thiết.
Nhà máy Thủy điện Xoóng Con do
Công ty CP Đầu tư và Xây dựng MCK làm chủ đầu tư, đi vào sản xuất từ cuối năm
2018. Đến nay, nhà máy đã có nhiều đóng góp về kinh tế, xã hội cho Nhà nước và
trên địa bàn. Nhưng thủy điện cũng đã có những tác động không mong muốn đối với
người dân như: việc xây dựng thuỷ điện ở thượng nguồn đã gây nên tình trạng thiếu
nước tác động trực tiếp đến cây trồng, vật nuôi; mất đất sản xuất của người
dân; nguồn thủy sản suy giảm nghiêm trọng;...
Tại hội thảo, bên cạnh các báo
cáo nghiên cứu và dự thảo cơ chế, kế hoạch hành động, các đại biểu còn thảo luận,
để thống nhất một số nội dung của dự thảo báo cáo nghiên cứu và kế hoạch hành động.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương phát biểu kết luận hội thảo
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng
chí Nguyễn Hữu Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương ghi nhận những ý kiến
phát biểu đầy tinh thần trách nhiệm của các đại biểu; Đồng thời, yêu cầu các
bên liên quan tổng hợp và hoàn thiện báo cáo, dự thảo kế hoạch hành động. Sau
khi kết thúc dự án, ban hành chương trình hành động thì chính quyền địa phương,
nhân dân vào cuộc để thực hiện. Đặc biệt, đề nghị chủ đầu tư thủy điện Xoóng
Con nói riêng và các nhà máy thủy quan tâm hỗ trợ người dân tại các địa bàn bị ảnh
hưởng…
Đình Tuân