Tương Dương – Nơi ký ức neo lại, nơi tương lai mới khở đầu

Từ ngày 1/7/2025, cái tên "xã Tương Dương" chính thức hiện diện trên bản đồ hành chính, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử: sự hợp nhất của ba địa danh thiêng liêng Thạch Giám, Xá Lượng, Lưu Kiền thành một chỉnh thể mới. Một cái tên không mới, nhưng mang sứ mệnh mới – nơi ký ức được nâng niu, truyền thống được gìn giữ, và khát vọng được chắp cánh. Tương Dương, nơi từng bước chân đều chạm vào chiều sâu lịch sử, nơi từng nhịp sống đang hướng tới một ngày mai văn minh, bền vững và đậm đà bản sắc.

Ngày 1-7-2025, buổi sáng, sương vẫn giăng lưng núi như mọi ngày, gió từ sông Lam vẫn thổi rì rào qua từng triền đồi, nhưng lòng người Tương Dương thì khác – rưng rưng, xúc động và đầy hy vọng. Bởi hôm nay, một huyện Tương Dương sẽ không còn nữa, một địa danh mới chính thức hiện diện trên bản đồ đất nước: xã Tương Dương – đơn vị hành chính mới, được hình thành từ sự hợp nhất của ba vùng đất thiêng liêng: thị trấn Thạch Giám, xã Xá Lượng và xã Lưu Kiền.

Ba cây giờ đã chụm lại, thành hòn núi cao – xã Tương Dương. Một cái tên không xa lạ, nhưng từ hôm nay khoác lên mình chiếc áo mới, mang theo cả truyền thống 556 năm hào hùng của huyện Tương Dương xưa và khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của đổi thay, của tri thức, của phát triển xanh và bền vững.

Tôi sinh ra ở một bản dân tộc Thái yên bình nằm nép mình bên dòng sông Lam hiền hòa. Tuổi thơ tôi trôi qua êm ả giữa tiếng gà gáy râm ran sớm tinh mơ, giữa rừng tre kẽo kẹt mỗi độ gió về, giữa tiếng mẹ ru khe khẽ bên bếp lửa hồng. Bản tôi khi ấy chưa có đường bê tông, chưa có điện sáng, nhưng lòng người thì ấm, tình làng nghĩa xóm như cơm nếp ngày hội – dẻo, thơm, bền chặt.

Từ nơi ấy, tôi lớn lên cùng những cánh rừng Thạch Giám, cùng dòng Lam chảy mãi về xuôi, mang theo bao kỷ niệm mênh mang. Tôi từng tự hào rằng mình là người Thạch Giám – là con của một vùng đất từng là trung tâm huyện lỵ, nơi ngã ba đường tụ hội. Nhưng rồi tháng Bảy năm nay, một trang mới đã mở ra…

Anh-tin-bai

Ba vùng đất như ba cây rừng – chụm lại thành một hòn núi cao; ba mạch nguồn văn hóa – giờ đây chảy về chung một dòng tên. Nhưng dòng tên ấy không làm phai nhạt ký ức, mà càng làm đậm thêm cội rễ, như con suối xuân tụ nước về sông. Một Tương Dương mới được hình thành, không phải để xóa nhòa ký ức cũ, mà là để tiếp nối, để mở ra một hành trình mới. Hành trình của đoàn kết, của sáng tạo, của phát triển bền vững trên nền tảng vững chắc mà cha ông đã gây dựng từ bao đời nay.

Chúng tôi – những người con sinh ra bên dòng Lam, dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ, giữa núi rừng heo hút – hôm ấy không chỉ thấy một cái tên mới, mà thấy cả một vận hội mới. Một vùng đất của các dân tộc anh em: Thái, Kinh, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu, Tày Pọong, Thổ, Hoa... cùng nắm tay nhau, xây một giấc mơ chung: Tương Dương – giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc và đậm đà bản sắc.

Tôi biết, nhiều người còn bâng khuâng khi cái tên Thạch Giám, Xá Lượng, Lưu Kiền nay chỉ còn trong kỷ niệm. Như mẹ tôi – người đàn bà Thái suốt đời gắn bó với khung cửi, vừa nghe tin xã đổi tên đã lặng người rất lâu. Mẹ không nói gì, chỉ đốt một nén hương cắm bên bờ Lam, mắt nhìn xa về phía ngọn núi Pu Xoong Lêch mờ sương. Tôi hiểu, trong ánh mắt ấy là bao lớp nghĩa tình.

Xá Lượng – nơi có ngã ba Cửa Rào – là nơi sông hội tụ, người gặp nhau, văn hóa đan xen. Lưu Kiền – vùng đất yên bình bên Nậm Kiên – là miền quê của người cần mẫn, lam lũ. Thạch Giám – là nhịp thở của bao thế hệ, là tiếng trống trường rộn ràng mỗi độ vào năm học mới, là những chiều hội xòe, đêm hội xuân rực rỡ sắc màu.

Làm sao tôi quên được hình ảnh những em nhỏ chân đất đến lớp, quên sao được bát phở, bát bún thơm lừng gắn liền với cả một thị trấn vùng cao, hay quên sao được đồi chè Xám Ngả lấp ló trong mây sớm – nơi cha tôi từng còng lưng hái từng nắm chè gửi về cho đồng đội cũ ở tận miền xuôi, quên sao nhngx mo ăn của người Thá, người Mông, Khơ mú…

Tên gọi có thể đổi thay, nhưng đất không thay. Người không thay. Cội nguồn không đổi. Những ngôi nhà sàn bên triền dốc vẫn ở đó. Tiếng hát Thái, khèn Mông, pí tơm Khơ Mú vẫn bay lên giữa trời cao. Và dòng ký ức vẫn lặng lẽ chảy trong lòng người dân bản – như con sông Lam không bao giờ ngừng lại.

Tên gọi có thể đổi thay, nhưng hồn cốt Tương Dương xưa thì vẫn còn mãi, vẫn hiện diện trong từng lễ hội, tiếng cồng chiêng, nếp nhà sàn, và cả trong cách người dân nơi đây sống tử tế, sống đoàn kết, sống chan chứa nghĩa tình. Đó là văn hóa, là bản sắc của một Tương Dương mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Một Tương Dương mới – tiếp nối những giấc mơ xưa!

Sự hợp nhất hôm nay không xóa đi gì cả. Nó là bàn tay siết chặt hơn, là vòng tay rộng hơn, là mái nhà lớn hơn cho các dân tộc anh em. Tương Dương mới – không chỉ là tên xã, mà là biểu tượng cho một hành trình chung, cho tinh thần “ba cây chụm lại”, cho khát vọng làm chủ vận mệnh trên mảnh đất đầy trầm tích này.

Tôi tin rằng, từ hôm nay, những lớp học ở vùng cao này sẽ sáng đèn nhiều hơn, tiện ngh đầy đủ hơn. Trẻ con sẽ được học trong trường khang trang, không còn rét run trong mùa đông vì thiếu áo. Những tuyến đường bê tông sẽ nối liền bản nọ bản kia, thay cho con đường lầy lội cũ. Rừng sẽ được giữ, nước sẽ được bảo vệ, và văn hóa dân tộc sẽ sống dậy trong từng lễ hội, từng câu hát, từng nếp nhà, nếp sống.

Người Tương Dương chúng tôi sẽ không chỉ bám rừng, giữ núi, mà còn bước ra thế giới. Trai gái Thái, Mông, Khơ Mú… vẫn đến trường, học phổ thông, đạ học và cao hơn nữa, họ cỏ thể mở doanh nghiệp, mang sản vật quê nhà như cà ngọt Khe Ngậu, cà chua múi Bản Phòng, cam Xá Lượng, chè Xám Ngả, măng khô, cá mát Nậm Kiên, rượu cần… vươn ra thị trường lớn. Những câu chuyện cổ tích mẹ kể ngày xưa giờ sẽ trở thành chất liệu văn hóa sống, thành nguồn lực mềm cho phát triển. 

Tôi đứng trên đỉnh dốc bản Mác vào một chiều tháng Bảy, nhìn về phía dòng Lam uốn lượn. Trời đầy mây, nhưng lòng tôi thì sáng. Bởi tôi biết, từ hôm nay, xã Tương Dương hôm nay không chỉ là đơn vị hành chính. Nó là lời hứa, là niềm tin, là sự kế thừa truyền thống và tinh thần cách mạng từ những ngày đầu thành lập huyện đến thời kỳ hội nhập. Một Tương Dương của thời đại mới – nơi đoàn kết làm gốc rễ, dân chủ là con đường, sáng tạo là phương tiện và phát triển là đích đến.

Chúng tôi tin rằng, nơi đây sẽ là vùng quê kiểu mẫu, nơi lưu giữ bản sắc văn hóa các dân tộc nhưng vẫn vươn tới hiện đại, hội nhập, thông minh. Một vùng đất không để ai bị bỏ lại phía sau – nơi con cháu được sống tốt hơn cha ông, được học hành, lập thân, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê mình.

Tôi tin vào một ngày mai, khi con cháu tôi hỏi: “Thạch Gám, Xá Lượng, Lưu Kiền ở đâu? Tương Dương là gì?” – tôi sẽ kể cho chúng nghe bằng tất cả tự hào: “Đó là nơi ông sinh ra. Nơi ấy có những dòng suối, có dòn Nậm Nơn, Nậm Mộ, dòng sông Lam uốn khúc ôm lấy bản làng người Thái, người Mông, người Khơ Mú… nơi những người nghèo nhất cũng có một tình thương bao la. Và giờ, nơi ấy đang hóa rồng, bay lên bằng chính đôi cánh của mình.”

Vi Hợi

image
Tin tức
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement