Sức lan tỏa từ mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói”
Mô hình “Ngày thứ Sáu nghe dân nói” tại xã Đông Phước A, huyện Châu Thành là một trong những mô hình tiêu biểu của tỉnh Hậu Giang trong học tập và làm theo Bác được xây dựng thực hiện, duy trì và nhân rộng trong thời gian qua.
Anh-tin-bai

Một buổi “Ngày thứ sáu nghe dân nói” tại ấp Long Lợi, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành (Hậu Giang) -Vũ Hàn/daidoanket.vn

688 MÔ HÌNH HAY, CÁCH LÀM HIỆU QUẢ TRONG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO BÁC

Trong những năm qua, để cụ thể hóa việc học tập và làm theo gương Bác, Tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo xây dựng hàng ngàn mô hình, cách làm hay trong học tập theo Bác. Riêng năm 2021, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội đã xây dựng và nhân rộng 688 cách làm hay, mô hình hiệu quả trong học tập và làm theo Bác. Đó là: mô hình “3 xin” (xin hỏi, xin lỗi, xin cảm ơn) ở thị xã Long Mỹ; “Chiếc ghế vinh dự” ở thành phố Vị Thanh; “Đảng viên giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, công tác tốt” ở huyện Châu Thành A; mô hình “Đảng viên phụ trách hộ” ở huyện Vị Thuỷ; “Tôn giáo với công tác môi trường và giảm nghèo bền vững” ở huyện Phụng Hiệp; “Tổ đoàn kết 3 dân tộc Kinh –Khmer – Hoa giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” ở huyện Long Mỹ; “Ba trong một” ở thành phố Ngã Bảy; “Sổ tay đảng viên đăng ký phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và sinh hoạt của đảng viên (giai đoạn 2016 - 2021)” của Đảng ủy Quân sự tỉnh; cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hoá vì nhân dân phục vụ” ở Đảng ủy Công an tỉnh; “Tiết kiệm theo gương Bác xây dựng mái ấm tình thương” của Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh; “Nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ đảng viên” của Hội Nông dân tỉnh, “Chương trình giờ thứ 9 với chủ đề: Vui khỏe để lao động sản xuất” của Liên đoàn Lao động tỉnh, “Sổ nhật ký làm theo Bác” của Tỉnh Đoàn...

Trong số các mô hình này, tiêu biểu có mô hình “Ngày thứ Sáu nghe dân nói” của xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

“NGÀY THỨ SÁU NGHE DÂN NÓI” - GẮN KẾT GIỮA LÃNH ĐẠO CẤP ỦY, CHÍNH QUYỀN XÃ VỚI NHÂN DÂN

Thực tiễn xây dựng nông thôn mới, qua một số hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, có rất nhiều vấn đề cử tri đặt ra với các vị đại biểu thuộc thẩm quyền ở cơ sở, tuy nhiên, chưa được xem xét xử lý, giải quyết thấu đáo. Từ việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, từ hoạt động lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, từ những vấn đề mà người dân quan tâm như: giải quyết khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính, an sinh phúc lợi xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội,… cũng như mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền với quần chúng nhân dân. Tình trạng cử tri kiến nghị vượt cấp cũng xuất phát từ việc kiến nghị, bức xúc của người dân chưa được xem xét kịp thời.

Chính từ những lý do trên Mô hình “Ngày thứ Sáu nghe dân nói” được Đảng ủy xã Đông Phước A đã được cấp ủy, chính quyền trăn trở, xây dựng được chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Đây là mô hình thể hiện rõ nét sự gắn kết giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã với nhân dân, nâng cao hơn trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nắm và hiểu rõ hơn tình hình, đời sống, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Theo đó, cứ đều đặn vào ngày thứ Sáu tuần cuối cùng trong tháng, Tổ đối thoại với công dân “Ngày thứ Sáu nghe dân nói” xã Đông Phước A, do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm tổ trưởng lần lượt tổ chức đoàn đến từng ấp để gặp gỡ, đối thoại với nhân dân.

Với phương thức hoạt động định kỳ hàng tháng vào ngày thứ Sáu của tuần cuối tháng, xã chọn 1 ấp để tiến hành gặp gỡ, đối thoại với dân, làm xoay vòng hết tất cả các ấp (có tháng tổ chức 2 đoàn). Theo lịch, cứ 7 giờ sáng ngày thứ Sáu của tuần cuối tháng, hàng trăm người dân trong xã Đông Phước A, đã có mặt đông đủ tại điểm tổ chức buổi đối thoại. Ngoài những điểm tiếp xúc cố định, còn có điểm tiếp xúc lưu động, cũng có thể được tổ chức tại nhà của một người dân để bà con thuận tiện đi lại. Sau khi đại diện UBND xã Đông Phước A báo cáo về hoạt động lãnh đạo, điều hành các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị trong xã, người dân thẳng thắn bày tỏ quan điểm cũng như những tâm tư, nguyện vọng của mình.

Anh-tin-bai

Mô hình “Ngày thứ Sáu nghe dân nói” tại xã Đông Phước A, huyện Châu Thành được nhân rộng ở nhiều địa phương.

Qua các buổi đối thoại, từ khi ra mắt đến nay, với Mô hình “Ngày thứ Sáu nghe dân nói” lãnh đạo xã Đông Phước A đã gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân được gần 100 buổi, có hơn 3.820 lượt nhân dân tham dự, với gần 400 lượt hộ dân phát biểu, gần 1.000 lượt ý kiến. Các kiến nghị tập trung vào giải quyết các thủ tục hành chính một cửa, chính sách nhà nước đối với hộ nghèo, cận nghèo, lộ giao thông, thủy lợi nội đồng, hỗ trợ nhà tình nghĩa, tình thương, bảo hiểm y tế, vệ sinh môi trường ở nông thôn…

Trên cơ sở đó, lãnh đạo xã tiếp thu những đóng góp của người dân để có những điều chỉnh trong quá trình lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như kịp thời xử lý, giải quyết những kiến nghị của nhân dân từ cơ sở, hạn chế các kiến nghị vượt cấp. Quá trình thực hiện phát sinh một số vấn đề bức xúc của người dân thuộc thẩm quyền cấp huyện, xã chủ động xác định những vấn đề cụ thể, tiến hành trao đổi và mời một số ngành của huyện cùng dự để trực tiếp trao đổi, hướng dẫn cho người dân trong “Ngày thứ sáu nghe dân nói”. Từ đó một số vụ việc kéo dài, nhất là trong lĩnh vực đất đai đã được giải quyết, qua đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với các cấp ủy, chính quyền địa phương.

Bên cạnh việc tiếp thu, xử lý, giải quyết những kiến nghị của quần chúng nhân dân tại cơ sở; thông qua việc gặp gỡ này, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hầu hết người dân ở xã Đông Phước A xem “mô hình ngày thứ Sáu nghe dân nói” là hoạt động quen thuộc. Đây là hình thức sinh hoạt dân chủ thực sự, là diễn đàn để người dân trực tiếp nói lên tiếng nói của mình đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.

NHÂN RỘNG MÔ HÌNH “NGÀY THỨ SÁU NGHE DÂN NÓI”

Từ hiệu quả của Mô hình “Ngày thứ Sáu nghe dân nói” của xã Đông Phước A, nhiều địa phương trong tỉnh đã học tập vận dụng để có những cách làm hay trong việc tập hợp, vận động, tuyên truyền, lắng nghe và kịp thời giải quyết, kiến nghị yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân. Với mô hình này, thời gian qua, rất nhiều vụ việc lớn nhỏ đã được giải quyết trực tiếp, những vấn đề không thuộc thẩm quyền cũng được ghi nhận để đề xuất lên cấp trên, hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.

Mô hình “Ngày thứ Sáu nghe dân nói” của xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã góp phần mở rộng dân chủ, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; khoảng cách giữa lãnh đạo với người dân được rút ngắn, càng cảm thông, thấu hiểu nhau hơn trong chung tay thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển quê hương.

Quá trình thực hiện Mô hình “Ngày thứ Sáu nghe dân nói” hằng năm địa phương có sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm trong Hội nghị sơ kết thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và nhân rộng mô hình trên địa bàn; đồng thời trong các hội nghị sơ kết 3 năm, 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, trong đánh giá các mô hình hiệu quả, Tỉnh đã sơ kết rút kinh nghiệm mô hình này để nhân rộng tại các huyện, thị, thành trong tỉnh.

Lê Công Lý (Nguồn Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương)


image
Tin tức
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement