Ông Trần Văn Lam, Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, Thẩm phán tiêu biểu năm 2021
Thẩm phán, Phó Chánh án Trần Văn Lam sinh ra và lớn lên tại xã Kim Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Với tuổi đời còn khá trẻ và tuổi nghề cũng không phải là nhiều, nhưng đã được các cấp lãnh đạo tin tưởng, đánh giá cao, Ông được bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp tháng 9 năm 2011, tháng 10 năm 2021 được bổ nhiệm Thẩm phán trung cấp. Từ tháng 7 năm 2015 đến nay là Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Trong quá trình công tác, trên cương vị là Thẩm phán, Ông đã nỗ lực hết sức để có những thành tích xét xử vượt trội. Từ ngày 30/12/2016 đến 30/4/2021, đã trực tiếp giải quyết, xét xử 1.026 vụ, việc các loại; bình quân mỗi năm được giao hơn hai trăm vụ, việc (năm 2018 là 243 vụ, năm 2019 là 220, năm 2020 là 281 vụ... Theo quy định của Toà án nhân dân Tối cao đối với một Thẩm phán thuộc huyện miền núi là 60 vụ, việc/năm thì Ông mỗi năm giải quyết vượt từ 3,5 đến 4 lần. Xét xử, giải quyết nhiều là thế, nhưng chất lượng vụ, việc do Thẩm phán Trần Văn Lam đảm nhận rất đáng được ngưỡng mộ, trong số 1.026 vụ, việc nêu trên không có vụ việc nào bị kháng cáo, kháng nghị và bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Thẩm phán; đã tổ chức 11 phiên tòa rút kinh nghiệm, công bố 106/139 bản án, quyết định thuộc diện phải công bố trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An Trần Văn Lam
Từ khi được bổ nhiệm Thẩm phán, Ông luôn tích cực tham gia các vụ án khó, án phức tạp, giám dấn thân, giám đương đầu với nhiều thử thách đặc thù của nghề nghiệp, nhiều vụ án tồn đọng đã được giải quyết dứt điểm, những vụ án tranh chấp đất đai phức tạp trên địa bàn được Ông kiên trì hòa giải, nhiều vụ án ly hôn đã được hòa giải thành, đương sự thuận tình rút đơn để vợ chồng đoàn tụ góp phần duy trì sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Sau mỗi bản án, quyết định là tâm huyết của người Thẩm phán yêu nghề, say mê học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn. Hằng tháng, trong các cuộc họp rút kinh nghiệm, Ông đều hăng hái tham gia thảo luận, tháo gỡ những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong công tác giải quyết án, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho đồng nghiệp, học hỏi đồng nghiệp đi trước, năng động sáng tạo tìm ra cách làm hay, sáng kiến hay trong công việc. Năm 2018, Ông đưa ra sáng kiến “Tổng hợp hình phạt trong trường hợp một người phạm tội bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo, nhưng lại phạm tội trong thời gian thử thách hoặc trong thời gian thử thách thì bị phát hiện trước đó phạm một tội khác và bị đưa ra xét xử”; Năm 2019, với sáng kiến về lĩnh vực dân sự “Thẩm quyền ban hành Quyết định trong việc giải quyết vụ án dân sự sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử”; Năm 2020, “Quy định liên quan đến thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, hòa giải và việc áp dụng trong thực tiễn xem xét yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập của đương sự trong giải quyết vụ án dân sự”…
Thẩm phán Trần Văn Lam Chủ tọa phiên tòa hình sự
Từ thực tiễn kinh nghiệm xét xử, Ông đã đúc kết lại nhiều bài học cho chuyên môn của mình. Trong thực hiện nhiệm vụ, người Thẩm phán phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, vì công bằng và lẽ phải, tích cực chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, gần dân, giúp dân, tận tụy với công việc, điềm đạm trong xét xử, hòa giải cặn kẽ thấu tình đạt lý trong tranh tụng. Mỗi bản án, quyết định ban hành đều xem xét, rà soát cẩn trọng, đánh giá chứng cứ sắc bén trên cơ sở quy định pháp luật, rõ ràng, rành mạch nên các đương sự, người tham gia tố tụng tâm phục, khẩu phục giúp cho việc thi hành án dễ dàng. Trong từng giai đoạn tố tụng đều đòi hỏi kỹ năng làm việc của người Thẩm phán thật khoa học. Giai đoạn chuẩn bị xét xử các tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính phải chọn thời điểm mở phiên họp công khai tiếp cận chứng cứ và hoà giải, đối thoại phù hợp, dưới sự điều hành, phân tích của Chủ tọa trên cơ sở luật định, đánh giá tài liệu, chứng cứ một cách khách quan, toàn diện, giải thích quyền và nghĩa vụ của các bên, lắng nghe trình bày của đương sự, phân tích mâu thuẫn, tháo gỡ mâu thuẫn, định hướng đương sự thỏa thuận cho hợp lý, hợp tình đó là bí quyết để có tỉ lệ hòa giải thành hoặc nguyên đơn rút đơn khởi kiện dẫn đến đình chỉ vụ án đạt tỉ lệ cao.
Huyện Tương Dương là huyện miền Núi thuộc tỉnh Nghệ An, tỉ lệ người nghiện ma túy rất nhiều, số lượng việc áp dụng các biện pháp hành chính tại Tòa án bằng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tăng hằng năm. Đặc thù của việc này là sau khi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lần cuối (khi cơ quan phát hiện thường là Công an xã, phường) có quyền tạm giữ và gửi người nghiện vào cơ sở cai nghiện tự nguyện hoặc bắt buộc rồi xây dựng hồ sơ đề nghị, để tránh tình trạng bỏ trốn, thời hiệu đề nghị ngắn (03 tháng). Trước tình hình thực tế này, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người đề nghị đưa đi cai nghiện bắt buộc, bản thân Ông đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và các cơ sở cai nghiện trên địa bàn huyện đầu tư trang thiết bị, kết nối đường truyền đến Tòa án để tiến hành mở phiên họp trực tuyến. Sáng kiến này đã được cơ quan và các đơn vị liên quan chấp thuận và đang được triển khai rất hiệu quả. Mặc dù cũng có một số khó khăn như đường truyền internet chậm, kỹ năng thao tác tin học, hệ thống loa, mic chưa được đáp ứng tốt, nhưng với tinh thần vượt khó, quyết tâm cao độ, tập thể Tòa án nhân dân huyện nói chung và cá nhân Thẩm phán, Phó Chánh án Trần Văn Lam nói riêng đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực ban đầu, được cấp ủy tại địa phương và Lãnh đạo cấp trên đánh giá cao. Sự tận tuỵ, nhiệt huyết trong công tác và kết quả đạt được một phần đã cho thấy sự thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ ngành Toà án “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” ở người Thẩm phán như ông Trần Văn Lam.
Từ những sáng kiến, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác, cùng với sự cố gắng nỗ lực của bản thân,Thẩm phán Trần Văn Lam đã nhiều năm liền được công nhận đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, năm 2019 được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tặng thưởng “Bằng khen” và năm 2020 đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân” và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tương Dương tặng “Giấy khen” vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TW; đặc biệt, Ông đã vinh dự được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu” năm 2021./.
Lê Xuân (Nguồn Trang TĐ-KT Tòa án nhân dân )