Tương Dương - Tiềm năng đang được đánh thức
Anh-tin-bai

Rừng săng lẻ thuộc địa phận xã Tam Đình

Tương Dương là huyện miền núi phía Tây Nghệ An, có truyền thống lịch sử, văn hóa rất lâu đời. Thời nhà Trần gọi là đất Nam Nhung. Năm 1490, niên hiệu Hồng Đức thứ 21, đời vua Lê Thánh Tông, chia phủ Trà lân thành 4 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Vĩnh Khang, Hội Ninh. Đến đời nhà Nguyễn (1822), phủ Trà Lân đổi thành phủ Tương Dương, gồm  huyện: Tương Dương, Vĩnh Hòa, Hội Nguyên, Kỳ Sơn,.....

Trước năm 1945, huyện Tương Dương bao gồm cả Con Cuông, Kỳ Sơn. Đến năm 1945, huyện Con Cuông tách ra khỏi Tương Dương và ngày 17/5/1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 65/CP, tách huyện Kỳ Sơn ra khỏi Tương Dương, khẳng định địa giới hành chính của huyện.

Ngày nay, Tương Dương có tổng diện tích trên 281.129 ha, chiếm 17% diện tích tỉnh Nghệ An. Tương Dương có 18 xã, thị trấn, có 6 dân tộc anh em: Thái, Kinh, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu, Tày Poọng, các dân tộc Tương Dương sống hòa thuận, cùng chung tay góp sức xây dựng  quê hương ngày càng giàu đẹp.

Tương Dương là nơi khởi nguồn của dòng Sông Cả, nằm trong khu dữ trữ sinh quyển lớn nhất Đông Nam Á, hệ thống sông, suối dày đặc. Trong điều kiện khan hiếm nguồn điện hiện nay, Tương Dương là điểm đến của các công trình thủy điện có quy mô vừa vừa và nhỏ. Hiện nay, đã có 4 công trình thủy điện được khởi công xây dựng như Thủy điện Bản Vẽ (320 MW), Khe Bố (100 MW), Yên Thắng, Xóng Con (10 MW)...

Anh-tin-bai

Đền Vạn - Cửa Rào

Không chỉ là tài nguyên nước, Tương Dương còn đa dạng và khá phòng phú về tài nguyên rừng. Tổ chức UNESCO đã công bố, các huyện phía Tây Nghệ An là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Đông Nam Á, trong đó các huyện Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Hợp nằm ở vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển đó. Chiếm trên 17% diện tích và 24.28% trữ lượng rừng của tỉnh Nghệ An, rừng Tương Dương phong phú về chủng loại, từ rừng lá kim á nhiệt đới đến rừng hỗn giao lá kim - lá rộng và rừng kín, với hàng trăm loài cây, trong đó 42 loài đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam. Dưới những tán rừng là hàng trăm loài động vật quý: hổ, gấu, bò tót, voi, sóc bay, voọc xám (đã được ghi vào Sách đỏ Việt Nam),... Trong tổng số 145.632 ha rừng hiện có của Tương Dương, có 144.204,2 ha là rừng tự nhiên. Hiện nay, ở Tương  Dương vẫn còn giữ được hàng ngàn ha rừng nguyên sinh trên một ngàn tuổi như rừng Pù Huống, Pù Mát, rừng Săng Lẻ,...

Trong lòng đất Tương Dương còn chứa đựng những khoáng sản quý như vàng Huội Nguyên, than đá Khe Bố (với loại than nâu, lửa dài). Nguồn đá các loại rất dồi dào, đặc biệt là đá vôi có trữ lượng lớn phân bố khắp nơi, đá Granit ở xã Lưu Kiền với trữ lượng lớn.

Anh-tin-bai

Trong tương lai, Tương Dương là điểm du lịch rất hấp dẫn, bởi tài nguyên du lịch ở đây rất phong phú và đa dạng (du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh,...): Nói vậy bởi nơi đây có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Nằm trong khu dự trữ sinh quyển lớn nhất cả nước, với những phong cảnh dễ say lòng người như hai dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ và những câu chuyện đầy chất huyền thoại, rồi rừng Quốc gia Pù Mát, rừng Săng Lẻ ở xã Tam Đình được nhiều người đánh giá là đẹp nhất nước, rừng lạnh nguyên sinh ở xã Tam Hợp, rừng cây lùn ở khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát (xã Tam Quang),.... Bên cạnh đó, còn có điểm du lịch Huồi Cớ (Tam Đình), Văng Phột (Lưu Kiền), Nậm Xán (Tam Quang), hồ thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố ...sẽ là những điểm thu hút du khách, phát triển dịch vụ du thuyền thám hiểm lòng hồ, tham quan các ốc đảo và thưởng thức các loại đặc sản của núi rừng như thịt gà đen, lợn đen, cá mát, cơm lam, măng đắng,...

 

Tương Dương cũng là huyện có khá nhiều di tích - lịch sử, tiêu biểu như đền Cửa Rào (xã Xá Lượng), đền thờ Lý Nhật Quang (xã Tam Quang), hang Thằm Cóng (xã Tam Bông). Đặc biệt, Đền Vạn - Cửa Rào từ lâu đã trở thành nơi gửi gắm tâm linh của đồng bào các dân tộc Tương Dương và du khách gần xa. Mấy năm gần đây, huyện Tương Dương thường xuyên tổ chức các hoạt động lễ hội vào dịp đầu xuân đã thu hút một số lượng lớn du khách tìm về với lễ hội.

Với đặc điểm có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống nên vùng đất Tương Dương có đời sống văn hóa phong phú và đa dạng, mang đậm bản sắc vùng miền đến nay cơ bản vẫn còn lưu giữ được. Đồng bào Thái với câu lăm, điệu khắp cùng bộ trang phục duyên dáng, gợi cảm; đồng bào Mông với bộ trang phục hoa văn sặc sỡ cùng điệu múa xòe; đồng bào Khơ Mú với điệu hát tơm lôi cuốn người nghe bởi giai điệu rộn ràng. Đó là chưa kể tới đời sống văn hóa - xã hội của đồng bào Tày Poọng, Ơ Đu đang trên bước đường hồi sinh. Với ưu thế chiếm số lượng lớn và cư trú rộng khắp, đồng bào Thái ở Tương Dương từ lâu đã có ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc của dân tộc mình, trong đó phải kể đến yếu tố không gian văn hóa. Vì thế, ở Tương Dương lưu giữ được một số bản Thái cổ như bản Chắn, bản Mác, bản Lau (xã Thạch Giám), bản Xoóng Con, bản Phồng (xã Lưu Kiền), bản Huồi Tố (xã Mai Sơn),...

Giai đoạn 2020-2023 là những năm đầu thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII và kế hoạch 05 năm 2021-2026 trong điều kiện hết sức khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, các dự án trên địa bàn chậm triển khai; đời sống một bộ phận nhân dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập thiếu ổn định. Bước sang năm 2023, nền kinh tế được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động dần trở lại bình thường, tạo tiền đề quan trọng để hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, giá cả một số nguyên nhiên vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Trước những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh trong quá trình thực hiện quy chế làm việc và chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện NQĐH Đảng các cấp. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã cụ thể hóa chỉ đạo, định hướng của Trung ương, Tỉnh ủy triển khai các chương trình, nghị quyết, chỉ thị, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; đổi mới, sáng tạo trong phương thức lãnh đạo, quyết liệt trong hành động, tháo gỡ những khó khăn, quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Đảng hiện nay.

Anh-tin-bai

Kinh tế đạt khá, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt nghị quyết Đại hội. Tổng giá trị sản xuất (giá so sánh) năm 2022 đạt 5.739.270 triệu đồng, tăng 11,6% so với năm 2020. Tổng giá trị tăng thêm năm 2022 đạt 2.636 triệu đồng, tăng 13,9% so với năm 2020. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2020-2022 đạt 6,73%. Trong đó, phần huyện quản lý tăng 6,18%. Cả ba lĩnh vực kinh tế đều có bước tăng trưởng cao: Lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,47%; công nghiệp - xây dựng tăng 7,13%; thương mại - dịch vụ tăng 6,22%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 35% xuống còn 34,1%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 24,3% lên 24,8%; thương mại - dịch vụ giữ vững 40,7%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 34 triệu đồng, tăng 13% so với năm 2021, GTTT bình quân đầu người đạt 34,1 triệu đồng, tăng 12,2% so với năm 2021.

Công tác tài chính quản lý ngân sách được đổi mới, việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giao dịch điện tử qua mạng Intenet trong quản lý ngân sách được đẩy mạnh, 100% số đơn vị triển khai giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến. Mặc dù nền kinh tế tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ thực hiện tốt các giải pháp chống thất thu thuế và công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật thuế nên thu ngân sách trên địa bàn vẫn đáp ứng được phần cân đối chi do UBND tỉnh giao; thu ngân sách trên địa bàn năm 2022 đạt 43.381 tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2020; đạt 79% MTĐH. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đến nay đạt 2.880 tỷ đồng đạt 64% MTĐH.

Công tác giáo dục và đào tạo được quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo thực hiện 02 Đề án về giáo dục, giai đoạn 2021-2025, đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường học được sắp xếp và bố trí hợp lý, đáp ứng yêu cầu dạy, học; tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi năm 2022 đạt 95,7% tăng 1,5% so với năm 2020, đạt 101% MTĐH; trong đó trẻ mẫu giáo đi học đúng độ tuổi đạt 95,7% đạt 102% MTĐH. Số trường đạt chuẩn quốc gia năm 2022 là 28 trường tăng 3,7% so với năm 2020, đạt 77,8% MTĐH.

Hoạt động văn hóa thông tin và thể thao có nhiều chuyển biến tích cực; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” phát triển sâu rộng, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng cao. Năm 2022, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 81,8%, tăng 6,9% so với năm 2020, đạt 102,3% MTĐH; có 91,1% khối, làng, bản được công nhận danh hiệu “làng văn hoá”, tăng 15,3% so với năm 2020, đạt 113,9%MTĐH; có 41,1% xã, thị trấn có thiết chế Văn hoá - Thông tin - Thể thao tăng 17,6% so với năm 2020, đạt 87%MTĐH. Thông tin - truyền thông phát triển mạnh; mạng lưới truyền thanh, truyền hình, mạng Internet phát triển nhanh. Tỷ lệ dân số được nghe truyền thanh đạt 98,4%, đạt 99,7% MTĐH

Công tác lao động, việc làm, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện: tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 60,2%, tăng 27,8% so với năm 2020, đạt 100,3% MTĐH; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ ước đạt 18%, tăng 3,8% so với năm 2020 và đạt 92,3% MTĐH; giải quyết việc làm cho người lao động có nhiều tiến bộ, số lao động được giải quyết việc làm hàng năm là 2.800 lao động, đạt 233,3% MTĐH; xuất khẩu lao động từ năm 2021 đến hết 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 503 người, đạt 154,7 MTĐH.

Cải cách hành chính, tư pháp, tiếp dân được tăng cường: Tổ chức bộ máy hành chính được sắp xếp tinh gọn; đã giảm được 01 đơn vị hành chính cấp xã; 8 khối, bản thuộc 4 xã, thị trấn; 01 phòng chuyên môn cấp huyện; 05 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện. Thực hiện đúng quy trình, thủ tục về công tác cán bộ thuộc diện BTV Huyện ủy, UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện quản lý. Kịp thời xây dựng phương án luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, bố trí nhân sự đủ điều kiện về trình độ, năng lực công tác, bằng cấp chuyên môn, trình độ chính trị…

Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững; công tác giáo dục, huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng được tổ chức có hiệu quả; công tác diễn tập chiến đấu khu vực phòng thủ cấp huyện và diễn tập chiến đấu trị an, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn cấp xã đạt 100% số xã, đảm bảo chất lượng và tuyệt đối an toàn. Công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu giao. Có 16/17 xã, thị trấn đạt cơ sở vững mạnh toàn diện – SSCĐ, đạt 100% MTĐH. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội; an ninh tôn giáo được đảm bảo; tình hình di dịch cư trái pháp luật sang Lào của đồng bào dân tộc Mông được kìm giữ; an ninh chính trị, an ninh nông thôn, an ninh biên giới, vùng dân tộc thiểu số được giữ vững. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc được triển khai sâu rộng, hiệu quả; hiện nay có 4/17 xã, thị trấn có phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đạt từ loại khá trở lên, đạt 50% MTĐH

 

Có thể khẳng định những thành tựu trên các lĩnh vực của huyện Tương Dương đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua là minh chứng rõ nét nhất về tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự quyết tâm, đồng lòng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Những thành quả ấy thật đáng trân trọng, góp phần củng cố, tăng thêm niềm tin, ý trí và động lực mới cho Đảng bộ huyện trên bước đường đi sắp tới. Nửa nhiệm kỳ còn lại sẽ còn khó khăn, thách thức, những chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa đạt là rất nặng nề. Tin tưởng với sự đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, sự gương mẫu, tận tụy của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và hành động, phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc huyện Tương Dương sẽ thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Tương Dương đang chuyển mình bởi tiềm năng đã và đang được đánh thức. Đó là nỗ lực của đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Tương Dương, là kết quả của chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Tương Dương với tiêm năng của mình đã và đang tiếp tục vẫy gọi các danh nghiệp, các nhà đầu tư đến với huyện miền núi phía Tây Nghệ An để đầu tư và khai thác tiềm năng.

 

Vi  Hợi - Đình Tuân

image
Tin tức
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement