Với cộng đồng người Ơ Đu, ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương thì lễ đón tiếng sấm đầu năm là tập tục cổ xưa nhất, linh thiêng nhất. Tuy không ai còn nhớ lễ đón tiếng sấm có từ khi nào, song đã được người dân lưu giữ và truyền lại từ đời này sang đời khác, trở thành một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân tộc Ơ Đu, 1 trong 5 dân tộc ít người nhất Việt Nam.
Theo như các cụ cao niên người Ơ
Đu ở bản Văng Môn, Nga My (Tương Dương), tiếng sấm đầu tiên trong năm là báo hiệu
của một năm mới đã đến và đồng bào dân tộc Ơ Đu sẽ tổ chức lễ mừng. Trước khi tổ
chức lễ, phải chuẩn bị một mâm cỗ để thông báo và xin phép thổ địa. Trong ảnh:
Nghi lễ thông báo và xin phép thổ địa.
Sau khi thông báo và xin thổ địa
xong, sẽ tiến hành tổ chức lễ đón tiếng sấm. Trong ảnh: Người dân đang bưng mâm
cỗ cúng thần sấm và ông bà tổ tiên.
Thầy mo Lo Văn Cường, ở bản Văng
Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương (người mặc trang phục màu đen đứng ở giữa)
cho biết: "Người Ơ Đu sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, săn bắt và chăn
nuôi. Ngày xưa không có lịch, không có đồng hồ. Đồng bào tính thời gian trong
năm bắt đầu từ ngày có tiếng sấm đầu tiên. Vì vậy, lễ mừng tiếng sấm đầu năm là
một nghi lễ không thể thiếu với đồng bào Ơ Đu. Để cử hành nghi lễ, người dân phải
chuẩn bị 2 mâm cỗ, 1 mâm cúng thần sấm và tổ tiên, 1 mâm để tổ chức làng vía,
buộc chỉ cổ tay”
Mâm cúng thần sấm và tổ tiên gồm
có: thủ lợn, moọc cá, moọc chuột, cá nướng, xôi, rượu... và không thể thiếu rượu
cần.
Mâm cỗ để tổ chức làm vía gồm có:
gà luộc, xôi, moọc...
Sau khi tổ chức các nghi lễ xong,
các vị cao niên sẽ thụ hưởng lễ vật trước, tiếp đến là con cháu.
Một trong những nghi lễ không thể
thiếu trong lễ đón tiếng sấm, đó là nghi lễ buộc chỉ cổ tay để cầu mong ai cũng
được mạnh khỏe, bình an trong năm mới.
Sau khi xong phần lễ, sẽ đến phần
hội với những hoạt động tập thể sôi nổi như múa hát, chơi các trò chơi dân
gian. Ông Lo Văn Thái, Trưởng bản Vang Môn, xã Nga My cho biết: “Lễ đón tiếng sấm
là một nghi lễ không thể thiếu của đồng báo dân tộc Ơ Đu. Hàng năm chỉ tổ chức
nhỏ tại các hộ gia đình, nhưng cứ khoảng 3 năm bản sẽ tổ chức quy mô lớn hơn với
sự tham gia của tất cả người dân trong bản”.
Lễ hội mừng tiếng sấm đầu năm còn
là dịp để người Ơ Đu gửi gắm ước nguyện mong tổ tiên phù hộ cho con cháu dồi
dào sức khỏe, dân bản đoàn kết và đón một năm mới làm ăn suôn sẻ, mùa màng bội
thu. Lễ đón tiếng sấm là nét đẹp văn hóa của cộng đồng Ơ Đu, cần được quan tâm
gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo này để lan tỏa trong phát triển du
lịch cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho tộc người chỉ có duy
nhất ở Tương Dương (Nghệ An).
Đình Tuân