Tương Dương - Tiềm năng đang được đánh thức (25/05/2011 03:39 PM)
Tương Dương là huyện miền núi phía Tây Nghệ An, có truyền thống lịch sử, văn hóa rất lâu đời. Thời nhà Trần gọi là đất Nam Nhung. Năm 1490, niên hiệu Hồng Đức thứ 21, đời vua Lê Thánh Tông, chia phủ Trà lân thành 4 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Vĩnh Khang, Hội Ninh. Đến đời nhà Nguyễn (1822), phủ Trà Lân đổi thành phủ Tương Dương, gồm huyện: Tương Dương, Vĩnh Hòa, Hội Nguyên, Kỳ Sơn,.....
Trước năm 1945, huyện Tương Dương bao gồm cả Con Cuông, Kỳ Sơn. Đến năm 1945, huyện Con Cuông tách ra khỏi Tương Dương và ngày 17/5/1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 65/CP, tách huyện Kỳ Sơn ra khỏi Tương Dương, khẳng định địa giới hành chính của huyện.
Ngày nay, Tương Dương có tổng diện tích trên 281.129 ha, chiếm 17% diện tích tỉnh Nghệ An. Tương Dương có 18 xã, thị trấn, có 6 dân tộc anh em: Thái, Kinh, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu, Tày Poọng, các dân tộc Tương Dương sống hòa thuận, cùng chung tay góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Tương Dương là nơi khởi nguồn của dòng Sông Cả, nằm trong khu dữ trữ sinh quyển lớn nhất Đông Nam Á, hệ thống sông, suối dày đặc. Trong điều kiện khan hiếm nguồn điện hiện nay, Tương Dương là điểm đến của các công trình thủy điện có quy mô vừa vừa và nhỏ. Hiện nay, đã có 4 công trình thủy điện được khởi công xây dựng như Thủy điện Bản Vẽ (320 MW), Khe Bố (100 MW), Yên Thắng, Xóng Con (10 MW).
Không chỉ là tài nguyên nước, Tương Dương còn đa dạng và khá phòng phú về tài nguyên rừng. Tổ chức UNESCO đã công bố, các huyện phía Tây Nghệ An là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Đông Nam Á, trong đó các huyện Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Hợp nằm ở vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển đó. Chiếm trên 17% diện tích và 24.28% trữ lượng rừng của tỉnh Nghệ An, rừng Tương Dương phong phú về chủng loại, từ rừng lá kim á nhiệt đới đến rừng hỗn giao lá kim - lá rộng và rừng kín, với hàng trăm loài cây, trong đó 42 loài đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam. Dưới những tán rừng là hàng trăm loài động vật quý: hổ, gấu, bò tót, voi, sóc bay, voọc xám (đã được ghi vào Sách đỏ Việt Nam),... Trong tổng số 145.632 ha rừng hiện có của Tương Dương, có 144.204,2 ha là rừng tự nhiên. Hiện nay, ở Tương Dương vẫn còn giữ được hàng ngàn ha rừng nguyên sinh trên một ngàn tuổi như rừng Pù Huống, Pù Mát, rừng Săng Lẻ,...
Rừng Săng Lẻ
Trong lòng đất Tương Dương còn chứa đựng những khoáng sản quý như vàng Huội Nguyên, than đá Khe Bố (với loại than nâu, lửa dài). Nguồn đá các loại rất dồi dào, đặc biệt là đá vôi có trữ lượng lớn phân bố khắp nơi, đá Granit ở xã Lưu Kiền với trữ lượng lớn.
Trong tương lai, Tương Dương là điểm du lịch rất hấp dẫn, bởi tài nguyên du lịch ở đây rất phong phú và đa dạng (du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh,...): Nói vậy bởi nơi đây có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Nằm trong khu dự trữ sinh quyển lớn nhất cả nước, với những phong cảnh dễ say lòng người như hai dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ và những câu chuyện đầy chất huyền thoại, rồi rừng Quốc gia Pù Mát, rừng Săng Lẻ ở xã Tam Đình được nhiều người đánh giá là đẹp nhất nước, rừng lạnh nguyên sinh ở xã Tam Hợp, rừng cây lùn ở khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát (xã Tam Quang),.... Bên cạnh đó, hồ thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố sẽ là những điểm thu hút du khách, phát triển dịch vụ du thuyền thám hiểm lòng hồ, tham quan các ốc đảo và thưởng thức các loại đặc sản của núi rừng như thịt gà đen, lợn đen, cá mát, cơm lam, măng đắng,...
Tương Dương cũng là huyện có khá nhiều di tích - lịch sử, tiêu biểu như đền Cửa Rào (xã Xá Lượng), đền thờ Lý Nhật Quang (xã Tam Quang), hang Thằm Cóng (xã Tam Bông) và hệ thống hang động ở bản Xiềng Lằm (xã Hữu Khuông). Đặc biệt, đền Cửa Rào từ lâu đã trở thành nơi gửi gắm tâm linh của đồng bào các dân tộc Tương Dương và du khách gần xa. Mấy năm gần đây, huyện Tương Dương thường xuyên tổ chức các hoạt động lễ hội vào dịp đầu xuân đã thu hút một số lượng lớn du khách tìm về với lễ hội.
Đền Vạn - Cửa Rào
Với đặc điểm có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống nên vùng đất Tương Dương có đời sống văn hóa phong phú và đa dạng, mang đậm bản sắc vùng miền đến nay cơ bản vẫn còn lưu giữ được. Đồng bào Thái với câu lăm, điệu khắp cùng bộ trang phục duyên dáng, gợi cảm; đồng bào Mông với bộ trang phục hoa văn sặc sỡ cùng điệu múa xòe; đồng bào Khơ Mú với điệu hát tơm lôi cuốn người nghe bởi giai điệu rộn ràng. Đó là chưa kể tới đời sống văn hóa - xã hội của đồng bào Tày Poọng, Ơ Đu đang trên bước đường hồi sinh. Với ưu thế chiếm số lượng lớn và cư trú rộng khắp, đồng bào Thái ở Tương Dương từ lâu đã có ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc của dân tộc mình, trong đó phải kể đến yếu tố không gian văn hóa. Vì thế, ở Tương Dương lưu giữ được một số bản Thái cổ như bản Chắn, bản Mác, bản Lau (xã Thạch Giám), bản Xoóng Con, bản Phồng (xã Lưu Kiền), bản Huồi Tố (xã Mai Sơn),...
Đội cồng chiêng Tương Dương tại Festival cồng chiêng Tây Nguyên
Trong nhiều năm qua, nhân dân các dân tộc Tương Dương đã một lòng kiên trung đi theo Đảng, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, xóa đỏi giảm nghèo. Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV (2005-2010), tổng giá trị sản xuất đạt 1.049.000 triệu đồng, tăng gấp 2 lần đầu nhiệm kỳ, thu ngân sách trên địa bàn đật trên 8 tỷ đồng, bình quân lương thực đầu người đạt 400 kg, thu nhập bình quân đầu người đạt 9,2 triệu đồng. Điểm nổi bật nhất ở Tương Dương hiện nay là, nhờ những chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đầu tư phát triển vùng miên núi và dân tộc như chương trình 135, 134, 147, Nghị quyết 30a, nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế miền Tây Nghệ An, huyện Tương Dương đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế và thiết chế văn hóa thông tin,... làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 80% (năm 2005) xuồng còn 53,5% (năm 2009).
Tương Dương đang chuyển mình bởi tiềm năng đã và đang được đánh thức. Đó là nỗ lực của đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Tương Dương, là kết quả của chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Tương Dương với tiêm năng của mình đã và đang tiếp tục vẫy gọi các danh nghiệp, các nhà đầu tư đến với huyện miền núi phía Tây Nghệ An để đầu tư và khai thác tiềm năng.
Ths. Vi Tân Hợi