TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI CÁ MÁT GẮN VỚI DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TẠI XÃ TAM HỢP, HUYỆN TƯƠNG DƯƠNG, TỈNH NGHỆ AN.
Trong khuôn khổ dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” do Ban quản lý Khu DTSQ miền Tây Nghệ An quản lý, Trung tâm Môi trường và Tài nguyên Sinh học (CEBR) đã triển khai một chuỗi các hoạt động thuộc hợp phần “Điều tra, nghiên cứu mô hình bảo tồn và phát triển con cá mát gắn với du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An” trong tháng 9 năm 2020.
Chuỗi các hoạt động góp phần thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là Cá Mát, kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái, các giá trị văn hoá bản địa với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đồng thời, các hoạt động giúp đẩy mạnh truyền thông và giáo dục môi trường tới người dân xã Tam Hợp nói riêng, cộng đồng sinh sống trong Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An nói chung.
Các kết quả của hoạt động điều tra, khảo sát nhằm: (1) Cung cấp các luận cứ khoa học về đặc điểm sinh học và phát triển của loài cá Mát ở xã Tam Hợp, huyện Tương Dương; hiện trạng phân bố và trữ lượng, các sinh cảnh quan trọng cần bảo vệ để bảo tồn và phát triển loài cá Mát; (2) Khảo sát và đánh giá các yếu tố tác động xấu lên nguồn lợi cá Mát và đề xuất được các biện pháp hữu hiệu bảo vệ sự sinh trưởng và phát triển của loài cá Mát; (3) Xây dựng được các mô hình bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn lợi cá Mát dựa vào cộng đồng dân cư (nguồn lực địa phương gắn liền với tri thức bản địa); (4) Xây dựng được kế hoạch phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với khai thác và phát triển bền vững nguồn đặc sản tự nhiên cá Mát và những giá trị tri thức, văn hóa bản địa ở xã Tam Hợp, huyện Tương Dương. Từ đó, thực hiện thành công mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, làm nền tảng cho kinh tế - xã hội phát triển bền vững của xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Một số loài cá mát ở Tam Hợp
Trong ngày làm việc đầu tiên với UBND xã Tam Hợp, Trung tâm Môi trường và Tài nguyên Sinh học đã được Chủ tịch UBND xã Tam Hợp, Dương Phi Thanh báo cáo sơ lược về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của xã Tam Hợp trong năm 2020. Trong đó, Ông nhấn mạnh Tam Hợp là xã miền núi vùng cao, xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương. Tam Hợp cách trung tâm huyện 27 km, đoạn biên giới quốc gia chạy qua xã dài 9 km, được bố trí 02 cột mốc 425, 426 và 05 cọc dấu, có lực lượng nòng cốt bảo vệ biên giới là đồn Biên phòng Tam Hợp. Tam Hợp tiếp giáp với huyện Viêng Thoong – tỉnh Bolikhamxay (Lào), có lực lượng bảo vệ biên giới Bạn là Đại đội 251 Biên phòng Lào. Xã Tam Hợp có diện tích tự nhiên 22683,85 ha với hơn 87,15 ha là lưu vực sông, suối, khe. Tam Hợp có 5 bản là bản Phồng, bản Xốp Nậm, bản Văng Môn, bản Phá Lõm và bản Huồi Sơn với 507 hộ và 2.347 khẩu, trong đó hộ nghèo 184 hộ, chiếm tỷ lệ 36,29%. Xã có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống là Dân tộc Mông, Dân tộc Tày Pọong, Dân tộc Thái, Dân tộc Khơ mú và Dân tộc Kinh), chủ yếu là người dân tộc Mông chiếm 34,7%. Kinh tế xã chủ yếu là nông lâm nghiệp kết hợp, nguồn lợi thủy sản dồi dào với sản lượng đánh bắt nuôi trồng đạt 6,5 tấn/năm. Đặc biệt, xã Tam Hợp có nguồn lợi cá Mát, được xem là đặc sản của thiên nhiên, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, những năm trước đây người dân đánh bắt quá mức theo hình thức “tận diệt” bằng các phương tiện như kích điện hoặc nổ mìn khiến cho nguồn lợi cá Mát gần như cạn kiệt, khe suối gần như vắng bóng loại cá đặc sản này. Trước nguy cơ cạn kiệt nguồi lợi cá Mát, HĐND xã Tam Hợp đã thông qua đề án bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên địa bàn vào tháng 12/2018, quy định những ngư cụ khai thác thủy sản phải chấp hành theo Thông tư số 02 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đồng thời có những chế tài xử phạt đối với những người dân trong và ngoài xã vi phạm. Ngoài ra, các bản thành lập khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo từng khúc suối cụ thể, được cắm biển báo cho người dân được biết, cấm khai thác và đánh bắt cá. Những kết quả bước đầu theo báo cáo của ông Dương Phi Thanh đã làm hồi sinh đàn cá Mát trên suối Chà Lạp, hy vọng trong thời gian tới sẽ có thể phục vụ tốt hơn cho nhu cầu ẩm thực của người dân, một phần đáp ứng cho nhu cầu tham quan, ngắm cá và thưởng thức các món cá Mát trên dòng Chà Lạp của du khách. Ngoài ra, sự hồi sinh của loài cá Mát và sự sinh sôi của các loài cá khác như cá bộp, cá lăng, cá lệch… cũng góp phần vào cải thiện thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản.
Trung tâm cũng đã có một ngày làm việc cùng với cán bộ UBND xã Tam Hợp, các Ban quản lý 5 bản, 25 hộ dân ở xã Tam Hợp, đã thảo luận về các khu vực bảo tồn, các biện pháp bảo tồn sinh cảnh và nơi sinh sản của các loài cá Mát. Mọi người cùng nhau tham gia xây dựng Quy chế quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn xã Tam Hợp, xác định lại các ranh giới cần bảo vệ nghiêm ngặt, các mức độ và thời gian bảo vệ và khai thác bền vững ở từng khu vực. Trong đó, Bản Phồng quản lý và bảo vệ từ khu vực ruộng Na Phăn đi vào khu vực ruộng Na Póm cuối bản với chiều dài lưu vực khoảng 800 - 1000m; Bản Xốp Nặm bảo vệ từ khu vực khe bản Cảng đến cầu nhà ông Vi Tiến Dũng đi vào đến Piêng thói và từ cầu nhà ông vi tiến Dũng đi vào ruộng nhà ông Vi Văn Thắng 100m; Bản Văng Môn quản lý khu vực Trường Tiểu học đến ruộng Na Hốc khe Chà Lạp khoảng 800m; Bản Huồi Sơn được quản lý từ ngã ba cầu khe Sến đi vào bản qua Tổng đội thanh niên xung phong 9 khoảng 800m; Bản Phà Lõm bảo vệ khu vực ruộng khe Chà Lạp đến hết cuối bản Phà Lõm đi vào khoảng 1000m. Người dân đồng tình với các quy định không kùng hóa chất độc hại, chất nổ, xung điện và các phương pháp có tính huỷ diệt khác làm chết hàng loạt các loài thủy sản, và chấp hành các biện pháp xử phạt hành chính theo quy định, tịch thu ngư cụ. Đặc biệt, các trưởng bản nhất trí cao với đề xuất của chuyên gia ngư loại học TS. Hồ Anh Tuấn, cấm khai thác triệt để vào mùa sinh sản của các loài cá Mát (theo người dân xác định là tháng 2-4) để bảo vệ tối đa nguồn lợi cá Mát, cũng như các loài cá khác.
Các nhà khoa học của Trung tâm CEBR và người dân thảo luận về các khu vực bảo tồn, các biện pháp bảo tồn và thời gian khai thác phù hợp đối với các loài cá Mát
Ngoài ra, để phát triển được du lịch sinh thái gắn với bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, thì phải phát huy được các giá trị truyền thống, nét văn hóa của người bản địa, để đem lại sự mới lạ, thu hút du khách đến tìm hiểu, thưởng thức và trải nghiệm. Người dân các bản trong xã Tam Hợp, với bản sắc của người dân tộc Thái, Tày Poong, Mông, Khơ Mú với các nét ẩm thực phong phú như cơm lam, canh ột, lạp cá, gỏi cá, cá nướng, mọoc thái, bánh ngô, bánh sắn, lạp sườn, canh chuối, nộm hoa đu đủ, hoa chuối rừng, rau dún, món đẹch, canh khủa, chấm chẻo của người Thái, canh cá ráy nấu ốc của người Tày Poong... Đặc biệt, người dân ở xã Tam Hợp còn lưu giữ nhiều nghề truyền thống như thêu, dệt vải, đan lát (bế, núng, nia, mâm mây, ghế mây...); nhiều lễ hội truyền thống như hội cồng chiêng khắc luống, dân ca, dân vũ sau, lễ hội chọi trâu, ném còn... Từ đó, theo đánh giá của cán bộ và người dân, xã Tam Hợp có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiênkhihệ thống giao thông thuận lợi và có thể kết nối đến các điểm du lịch khác trên địa bàn huyện Tương Dương.
Trung tâm CEBR,
Bài: Hồ Đình Quang.
Ảnh: Hồ Anh Tuấn