Công điện nêu rõ: Sáng ngày 21/7/2024, áp thấp
nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão (cơn bão số 2 trong năm 2024).
Vào hồi 07h ngày 22/7/2024, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông,
trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất gần tâm
bão đạt cấp 8-9, giật cấp 11, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ 15 km/h. Dự báo trong 24h tới, bão sẽ di chuyển chủ yếu
về hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km và tiến vào vịnh Bắc Bộ.
Để chủ động ứng phó với bão số 2 và mưa lũ sau bão, Chủ tịch UBND huyện - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân
sự huyện (PCTT-TKCN và PTDS) yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS huyện; Chỉ
huy Trưởng BCH Quân sự huyện; Trưởng Công An huyện; Thủ trưởng các phòng, ban cấp huyện; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện một
số nội dung sau:
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 2 và mưa lũ sau bão, các thành viên
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS huyện theo nhiệm vụ được phân công tổ chức kiểm tra, rà soát phương án phòng chống
thiên tai tại các địa phương được giao phụ trách. Đặc biệt chú trọng đến phương án sơ tán dân cư, đảm bảo lựa chọn các vị trí sơ tán an toàn tuyệt đối, tránh xa các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng và lũ quét. Đồng thời,
cần xác định rõ các tuyến đường sơ tán, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện và lực
lượng hỗ trợ để đảm bảo công tác sơ tán được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả.
-
Tổ chức trực ban nghiêm
túc, thường xuyên
báo cáo về Văn phòng
Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - TKCN và PTDS huyện để báo cáo kịp thời
về tỉnh.
1. Chỉ huy Trưởng BCH Quân sự huyện, Trưởng
Công An huyện
- Đảm bảo lực lượng
quân đội và công an được trang bị đầy đủ các thiết bị cứu hộ, cứu nạn cần
thiết, đồng thời duy trì trạng thái trực 24/24 để kịp thời ứng phó với mọi tình
huống khẩn cấp.
- Chuẩn bị sẵn sàng
các phương tiện chuyên dụng như thuyền, xe cứu hộ, thiết bị y tế và các trang
thiết bị khác, đảm bảo khả năng cơ động và tiếp cận nhanh chóng các khu vực bị
ảnh hưởng.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn: Tập trung chỉ đạo các công việc sau để chủ
động phòng chống bão số 2 và mưa lũ:
- Đảm bảo nhân lực
sẵn sàng, phương tiện cứu hộ đầy đủ và hoạt động tốt. Chuẩn bị trang thiết bị
cần thiết, bao gồm lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men và các vật dụng
cứu trợ khác, theo phương châm “bốn tại chỗ”.
- Rà soát và củng cố
các phương án phòng chống mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất và lũ quét, lũ ống.
Xác định và kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao, thiết lập các điểm an toàn và
chuẩn bị phương tiện sơ tán dân cư.
- Lực lượng cứu hộ,
cứu nạn phải luôn trong trạng thái sẵn sàng, có kế hoạch cụ thể để triển khai
nhanh chóng khi có tình huống khẩn cấp.
- Phối hợp với các
đơn vị chức năng để khắc phục nhanh chóng hậu quả do mưa, lũ gây ra, đảm bảo an
toàn cho người dân và khôi phục các hoạt động sinh hoạt bình thường; Thường
xuyên báo cáo Chủ tịch UBND huyện, Ban chỉ huy PCTT- TKCN và PTDS huyện diễn
biến, tình hình tại địa phương;
3. Trung tâm Văn hóa TT& Truyền thông:
- Tăng cường các
biện pháp thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới đến các các xã, thị
trấn, đơn vị và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó
- Sử dụng các phương
tiện truyền thông hiện đại như mạng xã hội, fangage, và ứng dụng di động để cập
nhật liên tục thông tin về thời tiết và các hướng dẫn an toàn.
- Phối hợp với các
cơ quan chức năng để phát hành các bản tin cảnh báo khẩn cấp qua SMS, email và
kênh truyền hình.
- Đảm bảo các thông
tin được truyền đạt một cách rõ ràng, chính xác và kịp thời
để hỗ trợ người dân
trong việc chuẩn bị và ứng phó hiệu quả với áp thấp nhiệt đới.
Đình Tuân