Thất thần sau cơn lũ quét ngang qua, anh Lô Văn Du, trưởng bản Đửa, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An vẫn còn bàng hoàng, chưa tin đây là sự thật…
Ưu
tiên người già yếu, bệnh tất trước
May
mắn sống sót sau thiên tai, già làng Kha Văn Luyện (thường gọi là Kha Văn Ma)
cho rằng đây là trận lũ quét khủng khiếp nhất kể từ ngày thành lập bản đến
nay. “Già đã ngoài 80 nhưng vẫn còn ngồi nói chuyện bây giờ là phúc phận lắm
rồi”. Nhìn ra con đường còn lầy lội bùn đất, đá để lại sau cơn “đại hồng thủy”
lướt qua bản, già chậm rãi kể: Già bị bệnh nhiều năm rồi, đi lại rất khó
khăn nên để nói chạy lũ hay tự cứu mình lúc hiểm nguy đó là điều không thể nữa.
Nhà thì con cháu đông nhưng đứa chết, đưa đi làm ăn xa thành thử chỉ còn ông bà
nương tựa nhau qua ngày. Lúc ông bà đang ngủ bỗng giật mình tỉnh dậy vì nghe
tiếng la thất thanh, dồn dập bên ngoài. Mon men mở được cánh cửa chưa kịp lên
tiếng thì được cháu Du vào cõng chạy lên nhà của một hộ trong bản…
Già làng Kha Văn Luyện còn bàng hoàng sau trận lũ quét vừa đi qua. Ảnh: VK
Bản
Đửa vốn xưa nay thuộc diện khó khăn, trong bản chủ yếu người già và trẻ
em, thanh niên trai tráng đi làm ăn xa nên lúc cần người trẻ, khỏe hỗ trợ những
lúc cấp thiết như thế này càng thêm khó khăn. Sau một ngày cơn lũ băng qua, cảm
giác bàng hoàng vẫn lộ rõ trên khuôn mặt trưởng bản Lô Văn Du.
Tạm
ngưng công việc hỗ trợ bà con khắc phục sau lũ khi gặp chúng tôi hỏi han tình
hình của toàn bản lúc này, trưởng bản ngậm ngùi: Nhiều nhà cửa hư hỏng, đàn vật
nuôi cũng như vật dụng gia đình lũ mang theo hết rồi nhưng điều hạnh phúc nhất
bây giờ là ai cũng an toàn…
Trưởng bản Lô Văn Du còn thất thần sau trận lũ quét. Ảnh: Bùi Ánh
Nhớ
lại những gì đã xảy ra, anh Du cho biết: Chiều tối ngày 30/9 mưa to, sấm
sét dập dồn đến khoảng 12h đêm nước bắt đầu dâng cao và đột ngột xuất hiện cơn
lũ ào ào ập đến không ai kịp trở tay. Thời điểm mưa to, tôi đã gọi điện liên
tục hỏi thăm các nhà. Khi biết nước dâng lên nhanh, tôi có dự cảm không lành
nên đã vội gọi điện một số người trong bản để trước mắt sơ tán những người già
yếu, bệnh tật trước. Tắt cuộc điện thoại, tôi chạy đến nhà ông Vi Xuân Đồng,
tiếp đó là ông Kha Văn Ma, kế đến là ông Sắn, ông Tiến… Xong xuôi đâu đó lại
dàn quân đến các điểm khác để cứu dân, cứ thế ngược xuôi như con thoi vần vũ
giữa dòng nước đục trong đêm hôm khuya khoắt.
Huy động tổng lực dọn dẹp sau lũ. Ảnh: Bùi Ánh
Lúc
này, trong đầu nghĩ sẽ đưa họ tới nhà văn hóa cộng đồng để lánh nạn nhưng khi
đến nơi thì đã nước trắng xóa đành phải chuyển địa điểm di dời nhưng không nghĩ
đến được nơi nào nữa nên chỉ còn dựa vào cảm tính nơi nào an toàn là đến… Ngược
lên con đường chính nối ra xã thì đất đá vùi lấp bởi sạt lở từ đồi Pu Lưu rất
khó khăn để di chuyển. Lúc này chẳng còn nghĩ được nhiều, tôi đành cõng họ lên
điểm cao nhất của bản để tránh trú. Rồi cứ thế lần lượt những người già cả,
bệnh tật đều đến được nơi an toàn lúc đó. Cả quãng thời gian này, tôi không còn
nghe được điện thoại của ai mà chỉ có một cuộc điện thoại duy nhất cho ông Phúc
(Vi Đình Phúc – Chủ tịch UBND xã Lượng Minh) gói gọn: “Hiện tại ngập hết cả bản
rồi, trong này chẳng biết sống chết ra sao”.
Vớt vát lại số vật liệu bị nước cuốn trôi khi nhà căn nhà còn xây
dang dở của gia đình chị Vi Thị May.
Ảnh: Bùi Ánh
Chậm
rãi, anh Du tâm sự: “Tôi không nghĩ vẫn còn sống được qua cơn lũ này. Khi đi
qua cầu bản Đửa bắc ngang con Khe Mạt nước cuồn cuộn như muốn cuốn trôi đi tất
thảy. Lúc bão lũ tràn qua, bản bị cô lập hoàn toàn lại còn thêm không điện,
không sóng điện thoại mọi thứ như một màu mực tối tăm trùm lên bản làng…”
Lũ
lụt ban đêm cứ cầm đèn pin, điện thoại mà chạy…
Với
vai trò là một trưởng bản và cũng là thành viên ban chỉ huy phòng chống thiên
tai của xã, anh Lô Văn Du ý thức được công tác tuyên truyền nâng cao cảnh giác
những rủi ro do thiên tai đóng vai trò quan trọng nên trong mỗi cuộc họp nội
dung này luôn được đưa vào. Đặc biệt là vào những tháng cao điểm mưa lũ thường
dễ xuất hiện trên địa bàn.
Những chia sẻ của trưởng bản Lô Văn Du với phóng viên Tạp chí Nông
thôn mới. Ảnh: Ngọc Linh
Hơn
nữa, bản Đửa có vị trí rất đặc thù dễ bị ảnh hưởng bởi phía sau là sông Khe Mạt
còn phía trước mặt cách một con đường độc đạo nối bản với các vùng khác là đỉnh
đồi Pu Lưu nên việc sạt lở, đất đá túa xuống hay nước cuồn cuộn dâng cuốn vào
bản làng là khả năng dễ xảy ra. Do đó, công tác này luôn là vấn đề được đặt lên
hàng đầu.
“Tôi
thường xem ti vi thấy chương trình chỉ cách phòng chống nên cũng vận dụng vào.
Về mùa mưa lũ này tôi luôn nhắc bà con kê cao đồ lên. Những lúc mưa gió điện
thoại luôn phải được sạc đầy pin, nếu đêm hôm xuất hiện lũ lụt thì cứ cầm đèn
pin, điện thoại mà chạy để còn có cái liên lạc khi cần trợ giúp hay gặp nguy
hiểm”, trưởng bản cho hay.
Vật dụng chẳng còn gì có thể sử dụng được sau cơn lũ quét qua. Ảnh: Bùi Ánh
Toàn
bản Đửa có 86 hộ nhưng đa phần là thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn.
Qua trận lũ này có đến gần 50 hộ bị ảnh hưởng nên việc khắc phục này dường như
đi vào thế bí. Mặc dù thời gian qua, bản vẫn nỗ lực để thoát nghèo, phấn đấu
xây dựng bản văn hóa góp phần thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu Quốc
gia xây dựng Nông thôn mới của xã, huyện nhưng với tình hình hiện tại thì điều
đó lại càng xa vời.
Nhìn
dân bản mình đang tất bật dọn lũ, cố nhặt nhạnh những tài sản chìm lẫn
dưới bùn rửa sạch để mong sao còn có thể sử dụng, trưởng bản Lô Văn Du không
khỏi ngậm ngùi: “Vấn đề trước mắt bây giờ là bản Đửa rất khó khăn sau lũ quét
ngang qua nhưng điều may mắn lớn nhất là không có thương vong về người. Hậu bão
lũ sinh hoạt thường nhật bị đảo lộn tứ tung, không còn bình yên, trầm lặng như
ngày thường. Ngay lúc này bà con đang thiếu thốn đủ bề, từ vật chất đến tinh
thần. Hơn lúc nào hết, bà con rất cần sự sẻ chia, giúp sức của cộng đồng mới
mong vực nổi để vượt qua giai đoạn này”.
Nỗi lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt của các hộ dân khi của cải cứ
thế bị cuốn theo dòng nước lũ.
Ảnh: Bùi Ánh
Cách
nhà văn hóa cộng đồng không xa là căn nhà chị Ngân Thị Hong tích cóp suốt thời
gian làm ăn tận trong miền Nam để về xây mới căn nhà chừng 40m2 nhưng vừa mới vào ở được một tuần thì xảy ra
cơ sự này. Nhìn những đồ vật có giá trị nhất của gia đình như quạt, tủ lạnh…
ngâm trong bùn, trong nước nay không còn sử dựng được nữa, tiếc nuối bao nhiêu
mồ hôi nước mắt đổ ra mới có tiền để sắm sửa, chị nói: "Của cải trôi
đi mất hết rồi không biết khi nào mới có thể mua lại nhưng còn người thì còn có
cơ hội để làm ra. Sống qua được thời khắc kinh hoàng đó cũng nhờ có trưởng bản
ngày thường cứ hướng dẫn chúng tôi lũ tràn về cứ bỏ của chạy lấy người trước
đã. Lúc lũ ào về chồng tôi bế con nhỏ chạy, còn tôi vơ được cái điện thoại rồi
lôi chiếc xe máy ra nhưng không kịp đành phải thả lại mà chạy…"
Con đường độc đạo từ Ủy ban xã
Lượng Minh vào bản Đửa sạt lở nghiêm trọng khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó
khăn. Ảnh: Bùi Ánh
“Đồng chí trưởng bản Lô Văn Du
là đảng viên trẻ gương mẫu, có nhiều đóng góp trong mọi phong trào của địa
phương. Đặc biệt trong trận lũ quét này, đồng chí đã làm tốt phương châm “4 tại
chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần
tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn
trương và hiệu quả) trong phòng chống thiên tai bão lũ. Đồng chí đã rất tích
cực, nỗ lực hết mình, không màng đến hiểm nguy để hỗ trợ người dân đến nơi
tránh trú an toàn”.
Ông Vi Đình Phúc – Chủ tịch UBND xã Lượng Minh.
Tác giả: Bùi Ánh (Nguồn: Tạp chí Nông thôn mới)