Trưởng bản vùng biên tiên phong đi đầu để dân tin, nghe và làm theo
Nếu không đến tận nơi, được nghe từng lời nhận xét, được thấy những việc họ làm sẽ chẳng biết được cái tâm, sự nhiệt huyết của những người làm công bộc ở các bản vùng cao như Tương Dương. Chỉ khi đến tận nơi mới thấy hết được, họ không chỉ giữ vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân mà họ còn là điển hình dân vận khéo ở cơ sở, với những việc làm thiết thực, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Một trong những số đó có trưởng bản Thằm Thẩm Và Bá Ca, người được người dân cho là “biết nói để dân làm theo” ở miền biên viễn xa xôi này.
Nếu không đến tận nơi, được nghe từng lời nhận xét, được thấy những việc họ làm sẽ chẳng biết được cái tâm, sự nhiệt huyết của những người làm công bộc ở các bản vùng cao như Tương Dương. Chỉ khi đến tận nơi mới thấy hết được, họ không chỉ giữ vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân mà họ còn là điển hình dân vận khéo ở cơ sở, với những việc làm thiết thực, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Một trong những số đó có trưởng bản Thằm Thẩm Và Bá Ca, người được người dân cho là “biết nói để dân làm theo” ở miền biên viễn xa xôi này.
Tuyến đường quanh co, uốn lượn, vắt qua nhiều quả núi trên dải Biên cương của 2 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương dẫn về bản Thằm Thẩm, một trong những bản được xem thực sự đổi thay ở xã Biên giới Nhôn Mai của huyện vùng cao Tương Dương. Như đã hẹn, các thành viên trong Cấp ủy, Ban quản lý bản đã đón ngay trên triền núi ngút sắn cao sản đang độ phát triển. Với chất giọng sang sảng pha chút hài hước không khó để nhận ra trưởng bản Và Bá Ca. Vừa chỉ tay lên quả núi trưởng bản Và Bá Ca vừa chia sẻ “Những năm 2015 trở về trước, trên những triền núi này chỉ là cây lau, cỏ, đôi chỗ người dân phát trỉa ngô, trồng lúa. Cả một rừng màu xanh đến mùa lại nhìn như manh áo, nơi chắp nơi vá, trong khi người dân ở đây quanh năm vẫn khó khăn”.
Được sự hỗ trợ kỹ thuật và chịu khó tìm tòi học hỏi. Nhờ đó, các loại cây trồng vật nuôi của gia đình Và Bá Ca phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao
Qua lời kể của trưởng bản Và Bá Ca, trước đây giao thông không thuận, gia đình anh cũng loay hoay tìm cuộc sống ấm, đủ, tìm đường để con cái được đến lớp. Sau nhiều lần xuống núi thăm dò, anh nhận thấy bản Thằm Thẩm đất đai, khí hậu lại có con đường tỉnh lộ mới mở rất thuận lợi cho việc phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Anh Ca cho biết “Hồi đó vất vả lắm, ở bản chỉ có gần 16 hộ là dân tộc Khơ Mú, khi gia đình xuống xin nhập khẩu, dựng nhà dân bản không ưng cái bụng lắm, cho là khác dân tộc sẽ phá vỡ tập quán của họ, sau nhiều lần xin, họ đồng ý trong miễn cưỡng. Dựng được cái nhà tạm, các thành viên cùng bắt tay làm chuồng trại, xin đất khai hoang trỉa ngô, trồng gừng, vỡ đất làm lúa nước. Thấy thế, một số người dân nơi đây cho là viển vông, bởi họ sống bao đời, đủ ăn đã khó làm giàu là điều không thể”.
Lấy đó làm động lực anh quyết tâm bỏ công, lấy sức mình nai ra làm. Với bản tính riêng năng cần cù và chịu khó nghiên cứu khoa học kỹ thuật để áp dụng vào chăm sóc cây trồng cũng như vật nuôi. Nhờ vậy mà các loại cây, con của gia đình anh Ca luôn phát triển và cho thu nhập cao.
Cây sắn là một trong những loại cây góp phần mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Và Bá Ca và nhiều gia đình khác của bản Thằm Thẩm
Thấy gia đình anh Ca có kinh tế mỗi ngày một khấm khá lên nhờ chăn nuôi và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cấy trồng. Nhiều người dân trong bản đã đến tham quan, học tập và được anh Ca tận tình hướng dẫn kỹ thuật cũng như kinh nghiệm.
Anh Moong Van Hợi là một trong những hộ như vậy, anh Hợi chia sẻt “Ban đầu vợ chồng thấy cật lực quá, muốn bỏ cuộc để quay lại cách sản xuất cũ. Thấy vậy Ca vẫn tận tình đến tận nơi để bày cách chặn dòng lấy nước, khoanh đất làm ruộng, trồng gừng, chia từng đùm cơm nắm giữa trưa nắng hay mùa đông rét mù sương. Vợ chồng nhủ nhau cố gắng, rồi cuối vụ thu hoạch về nào ngô nào bí xanh, thóc lúa đầy nhà, không còn phải lo bữa cho con, khi đó mới thấy anh Ca không chỉ nói hay còn làm rất giỏi”.
Khi thấy cả gia đình anh Hợi cũng đã thay đổi nếp nghĩ cách làm, có của ăn, thóc để như nhà Ca, không chỉ người dân bản Thằm Thẩm một số hộ Huồi Cọ cũng xin được xuống núi cùng phát triển kinh tế. Năm 2008 Bá Ca được người dân tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ, với cương vị mới Ca cũng luôn tâm niệm lời dạy của Bác “Cán bộ phải đi đầu, làm trước” để phát huy hết vai trò của mình. Anh đã tập hợp các thành viên Cấp ủy, Ban quản lý đoàn kết cùng tìm ra hướng phát triển kinh tế ổn định cho dân bản. Theo đó bám Nghị quyết Đại hội đảng bộ xã, huyện, dựa vào thực tế bản mình để cùng thống nhất ý kiến, nghiên cứu xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và cụ thể hóa nghị quyết cho từng giai đoạn, từng năm. Phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, các chi hội để tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà tự vươn lên thoát nghèo. Anh ngược xuôi xin hỗ trợ đầu tư của các cấp các ngành, vận động người dân cùng khai hoang làm ruộng nước để giảm bớt tỷ lệ phá rừng làm rẫy, thay đổi tập quán canh tác cũ, mạnh dạn đưa giống cây con có hiệu quả kinh tế như gừng, bí xanh, khoai sọ vào sản xuất và chăn nuôi tập trung. Năm 2016 bản được xã, huyện đầu tư phát triển Hợp tác xã Chanh leo, với quy mô hơn gần 10ha. Sau nhiều vụ hái quả ngọt, mang lại niềm vui, sự đổi thay ở bản biên viễn xa xôi này, thì nhiều diện tích Chanh đã tự thoái hóa, năng suất thấp. Cái tâm của một “tù và hàng tổng” không cho phép mình đứng nhìn diện tích bỏ không, anh đã cùng các thành viên trong cấp ủy, ban quản lý trấn an tư tưởng người dân, vắt trán nghiên cứu cây thay thế. Anh đi nhiều vùng, nhiều bản để học hỏi và tìm ra giống Săn cao sản thích hợp với đất, khí hậu bản mình. Anh mạnh dạn đi đầu phá bỏ hơn 2ha diện tích Chanh leo sâu bệnh để trồng Sắn. Vụ đầu chỉ 3 hộ cùng thực hiện, sau thấy Sắn dễ chăm sóc lại cho nhiều củ, dễ tiêu thụ, tiền thu về xứng đáng với công sức bỏ ra. Nhưng người dân vẫn ái ngại khi phá bỏ số diện tích Chanh để thay thế Sắn cao sản. Trưởng bản lại nhớ lời dặn của Bác “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Anh Ca khảng khái “Đối với đồng bào miền núi, bên cạnh dân vận khéo cần phải có những việc làm cụ thể, cầm tay chỉ việc, thì bà con mới tin và làm theo”. Xác định được điều đó anh nhiều lần họp, bàn, vận động, lên từng rẫy, phát từng khoảnh, chia từng cây giống và tận tay chỉ bày cho các hộ, từ 3 hộ lên 5 hộ, 10 hộ rồi cả bản đã chuyển đổi sang trồng sắn cao sản, phủ một màu xanh trên 18ha đất sản xuất của bản. Với năng suất từ 16-17 tấn/ha, trung bình bán ra thị trường từ 17-19 triệu/tấn đã thực sự mang lại thu nhập cho người dân. Đồng chí Vi Văn Hòa - Bí thư Đảng ủy xã Nhôn Mai tự hào. “Với một xã Biên giới, nhiều khó khăn như Nhôn Mai thì để có được thành quả đó phải có những cán bộ như đ/c Bá Ca, dám nghĩ, dám làm mới có thể góp phần giúp bản từng có đến hơn 80% hộ nghèo vào năm 2015 về trước, nay đã giảm chỉ còn 5/25 hộ và từ 1 bản có nguy cơ trắng đảng viên, nay đã có 9 đảng viên. Chúng tôi cũng xem đây là một người có uy tín có tiếng nói trong nhân dân để nhân rộng cho các bản khác trong xã học tập và làm theo”
Những năm gần đây giao thông đi lại thuận tiện, nên các loại nông sản của bà con vùng biên được các thương lái về tận bản để thu mua.
Với vai trò là "cầu nối” vững chắc giữa Đảng với nhân dân, Bí thư Chi bộ Và Bá Ka bản Thầm Thẩm, xã biên giới Nhôn Mai là một trong số những Bí thư Chi bộ đã và đang tạo được lòng tin, sự quý mến đối với bà con đồng bào Mông, Khơ Mú nơi đây. Theo cách làm của Bí Thư Ka đã góp phần lớn tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng và hành động của đồng bào dân tộc ở một huyện vùng cao còn nhiều khó khăn Tương Dương./.
May Huyền
Ban Dân vận Huyện ủy Tương Dương