THỦ TỤC ĐĂNG KÝ SANG TÊN XE MÔ TÔ TỪ HUYỆN, THỊ XÃ TRONG TỈNH VỀ THÀNH PHỐ VINH HOẶC VỀ HUYỆN, THỊ XÃ KHÁC TRONG CÙNG TỈNH TẠI CÔNG AN CẤP HUYỆN
Làng Lương Điền của huyện Thanh Chương là một địa danh nổi tiếng, nhất là khi người dân đứng lên chống Pháp và “gan góc” tuyên bố: “Cả nước mất, Nghệ Tĩnh còn chống giặc. Cả Nghệ Tĩnh mất, làng Lương Điền vẫn không đầu hàng”. Truyền thống lịch sử, văn hóa của Lương Điền xưa, Thanh Xuân nay luôn là một động lực to lớn cần giữ gìn và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những giá trị truyền thống đó đang được gìn giữ ngay trên mảnh đất Lương Điền xưa, trong đó có Đền Đức Thánh Hai.
Toàn cảnh ngôi đền Đức Thánh Hai
Cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, vùng đất này có tên là Điền Lao. Nửa sau thế kỷ XIX, làng Điền Lao đổi tên thành làng Lương Điền và năm 1954 có tên là Thanh Xuân như ngày nay.
Thiên nhiên không ban tặng sự phì nhiêu, màu mỡ cho vùng đất, nhưng trong quá trình đấu tranh với thiên tai, giặc dã, Đất và Người Lương Điền đã quyện vào nhau để hình thành khí chất, nhân cách con người nơi đây. Nồng nàn yêu nước, mạnh mẽ, cương trực, thuỷ chung với cách mạng, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, không chịu khuất phục trước thế lực cường quyền dù phải hy sinh cả tính mạng của mình là những truyền thống của Lương Điền xưa và Thanh Xuân nay. Trong suốt dòng chảy của lịch sử dân tộc, thời nào đất và người Thanh Xuân cũng có những dấu ấn đậm nét, những bậc hiền tài có công với đất nước, làm rạng danh cho quê hương, xứ sở. Một xứ sở Lương Điền đi lên từ huyền thoại đến hôm nay.
Di tích đền Đức Thánh Hai là nơi phụng thờ thần Khúc Xích Đại vương và hợp tự các vị thần trong vùng. Tương truyền vào khoảng cuối thời hậu Lê, nơi đây xảy ra một trận lụt lớn, nước sông, dâng cao gây ngập lụt. Có một cây gỗ lớn trôi dạt đến hói Triều vùng Kẻ Sấp. Những người canh điếm đã nhiều lần đẩy cây gỗ ra xa nhưng nó lại dạt vào chỗ cũ. Thấy kỳ lạ, người dân vùng Kẻ Sấp vớt lên đem chẻ thân cây thì thấy có dòng máu chảy ra. Dân làng kinh sợ báo với các vị chức sắc trong vùng. Sau khi họp bàn, các bô lão và chức sắc cho rằng đây là một thân cây quý, có linh hồn của thần linh ngự bèn lệnh cho các gia đình phải chuẩn bị mỗi nhà một chiếc chiếu để quấn thân cây ấy đem chôn tại Cồn Đền, đặt bát hương thờ phụng.
Sau nhiều năm thờ cúng lộ thiên, thấy nhiều điều linh nghiệm, dân làng đã chung tay làm một ngôi đền nhỏ để thờ. Các chức sắc trong vùng đã lập đàn cầu thần hiển linh để xin vị hiệu thờ cúng. Sau khi thần ứng đồng đã truyền phán vị hiệu “Khúc Xích Đại vương”, nhận mệnh hóa thân làm “Mộc thần” về cai quản xứ này. Từ khi được lập đền, thần lại càng hiển linh, việc cầu đảo mưa nắng, trừ tai, giải hạn, chữa bệnh cứu người không việc gì là không linh nghiệm. Các chức sắc của làng đã kê khai thần tích xin triều đình ban sắc phong cho thần để việc thờ cúng. Triều đình chuẩn y và đã ban sắc phong cho thần vào năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796).
Ở làng Điền Lao có một người tên là Địa Tiên. Địa Tiên là thầy địa lý giỏi, có công giúp làng Kẻ Sấp trấn long mạch để dân làng được yêu ổn. Tương truyền, làng kẻ Sấp có nhiều người chết trẻ, nguyên nhân là do địa thế làng Kẻ Sấp“hình dáng giống con trâu đang nằm” bất lợi về phong thủy, “phong bất cản, thủy bất thông” có nghĩa là “gió không cản được và nước không lưu thông”.
Ông đã bày cách cho dân làng Kẻ Sấp trồng nhiều cây cối tại phía Đông Bắc của làng (gồm các cánh đồng Nẩy Làng, Lũy Mồ, Cửa Sư, Cồn Ràn và Cồn Ấn) để chắn gió. Trồng thêm hai cây da, tượng trưng cho cửa của “chuồng trâu” và dân làng thường gọi là cây da đôi tại Cồn Ràn.
Thầy lại bày cho dân làng đào kênh mương ở đồng Trùa, đào rộng con “hói Rùa” ở phía Tây Nam của làng để phóng thủy. Hai con hói này chạy trước làng ra đến “hói Huyện” chặn được con hói Vấn chảy từ làng Lương Điền ra, nhờ có hói Huyện chặn lại, nước ở hói Vấn không chảy vào bụng trâu đang nằm, để bụng trâu không bị lạnh.
Hình thể làng Kẻ Sấp giống hình dáng trâu nằm. Trâu có đầu, có đuôi, có chân, có cổ lại có mắt để nhìn, nên ông Địa Tiên bày cho dân làng đã đào hai cái giếng tượng trưng cho hai con mắt của trâu tại xóm Trùa và xóm Nẩy Làng (hiện nay vẫn còn dấu tích), đặt ở dưới đáy giếng mỗi bên 3 hòn đá chụm lại tượng trưng cho con ngươi của mắt trâu.
“Con trâu” của làng Kẻ Sấp bướng bỉnh, hay cựa quậy, khiến dân làng hay mâu thuẫn. Ông Địa Tiên bày cho dân làng trấn yểm bằng cách cho người làng Nhà Chàng, tỉnh Hà Tĩnh sang mở lò rèn ở xóm Trùa. Có lò rèn là có búa có đe gõ vào đầu con trâu làm cho trâu không cựa quậy, phá phách nữa. Ngoài việc trấn trạch cho làng Kẻ Sấp, ông Địa Tiên còn giúp dân làng chọn địa điểm để xây dựng đình làng, đổi tên làng từ Kẻ Sấp thành làng Phú Lập với ý nghĩa làng mới trù phú, giàu mạnh.
Dân làng không biết tên thật của thầy địa lý, cứ gọi ông là “ông Tiên địa lý” và dần dần sau này quen gọi là “ông Địa Tiên” (Có tích gọi ông tên là Cống Cả Nghị). Nhớ ơn công lao của ông Địa Tiên, dân làng Phú Lập đã lập một ngôi đền nhỏ tại xóm Trùa để thờ phụng. Hàng năm vào ngày 3 tháng 4 âm lịch, khi lúa ở cánh đồng làng Trùa đã chín, dân làng cắt những bó lúa đầu tiên bó thành từng bó nhỏ treo vào hai đầu đòn gánh, gánh vào đền tôn kính làm lễ thắp hương tưởng nhớ thần Địa Tiên, người có rất nhiều công lao với nhân dân làng Phú Lập. Sự linh thiêng của thần cũng được triều đình ban sắc phong ghi nhận công lao và giao cho làng Phú Lập, xã Hàm Lâm, huyện Thanh Chương tòng tiền phụng sự. Năm 1954, đền Địa Tiên bị phá bỏ, dân làng đã rước long ngai bài vị của thần về hợp tự tại đền Đức Thánh Hai.
Tương truyền phong thủy ở làng Phú Lập không tốt. Địa thế làng giống hình dáng con trâu đang nằm. Trâu làng Phú Lập thông minh nhưng bướng bỉnh nên việc nhân dân thờ thần Thạch Bàn (thần Đá), nhờ uy của thần mà trấn trạch, giữ long mạch cho làng, tránh tai họa, nhân dân được yên ổn làm ăn. Thần Thạch Bàn được thờ tại đền Thạch Bàn thuộc xóm Đá. Năm 1954, đền bị phá bỏ, nhân dân đã rước bài vị của thần về hợp tự tại đền Đức Thánh Hai từ đó cho đến nay.
Đất Điền Lao xưa còn nổi tiếng với nhân vật lịch sử Phó tướng Phan Thắng quận công. Tương truyền, Phan Thắng là một chàng trai thông minh, nhanh nhẹn, ông tham gia nghĩa quân của Phan Đà từ những ngày đầu. Khi nghe tin nghĩa quân Lam Sơn tiến vào Nghệ An, Phan Đà cùng Phan Thắng quyết định đem đội quân của mình xin gia nhập vào nghĩa quân Lam Sơn. Không phụ sự tin tưởng của Lê Lợi, Phan Thắng đã góp phần cùng với Phan Đà lập nên nhiều chiến công hiển hách, một trong những trận đánh mang đậm dấu ấn của Phan Thắng chính là trận động Hoa Tiên, Truông Trẩy.
Sau thắng lợi này, nhận thấy tài năng cũng như tâm huyết của hai vị tướng trẻ, Lê Lợi tin tưởng giao cho Phan Đà trấn giữ thành Bình Ngô, Phan Thắng tiếp tục làm Phó tướng theo giúp Phan Đà. Thành Bình Ngô ở Phuống, là thành lũy trên đỉnh một ngọn núi của dãy Động Chủ nằm ở hữu ngạn sông Lam. Trong chiến lược của nghĩa quân Lam Sơn, thành Bình Ngô là “bộ phận của cả chiến tuyến, toàn pháo đài nhô ra bảo vệ đường qua sông Lam”. Nhận thức rõ tầm quan trọng ấy, hai vị tướng trẻ dốc sức bảo vệ thành. Giặc Minh cũng nhận định để đánh tan nghĩa quân ở Nghệ An trước hết phải hạ được thành Bình Ngô nên đã lên kế hoạch quyết tâm tiêu diệt thành.
Trong một trận quyết chiến với địch, tướng Phan Đà hy sinh. Phan Thắng trở thành trụ cột của nghĩa quân ở thành Bình Ngô. Sau khi Phan Đà mất, địch liên tiếp mở những đợt tấn công hòng chiếm thành Bình Ngô. Đoán biết ý đồ của địch, Phan Thắng đã động viên binh sỹ tăng cường cảnh giác, đẩy lùi nhiều cuộc phản kích. Trong một lần đuổi theo tàn quân của địch, không may Phan Thắng bị thương nặng, ngựa đưa ông về đến chân núi giáp Yên Quang, thuộc tổng Cát Ngạn và ông đã hóa tại đó. Dưới thời phong kiến, Phó tướng Thắng quận công được các triều đại ban sắc phong thần, giao cho nhân dân địa phương tòng tiền phụng sự. Trước đây, Phó tướng Thắng quận công được thờ tại đền Cả, làng Phú Lập, xã Hàm Lâm. Năm 1983-1984, đền bị sập, nhân dân đã rước long ngai, bài vị thần về hợp tự tại đền Đức Thánh Hai từ đó đến nay.
Nay Đền Đức Thánh Hai đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Cách di tích không xa là di tích lịch sử cấp Quốc gia Đền thờ Trần Hưng Học, Trần Hưng Nhượng, các di tích lịch sử cấp tỉnh như: Nhà thờ họ Đặng và nhà lưu niệm Đặng Thai Mai, Nhà thờ Trần Hưng Thi, Nhà thờ họ Trần Hưng đại tôn và Nhà thờ Trần Hưng Chu... Vì thế, khi chúng ta về với di tích đền Đức Thánh Hai là về với một quần thể di tích lịch sử văn hóa hấp dẫn, về với cội nguồn của một vùng quê giàu truyền thống văn hóa cách mạng.
Diện Nguyễn