Toàn văn bài phát biểu của đồng chí Bí thư Huyện ủy tại Đại hội đại biểu các DTTS huyện Tương Dương lần thứ IV - năm 2024

Ngày 28/6, UBND huyện Tương Dương long trọng tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV - năm 2024. Dự chỉ đạo và chúc mừng Đại hội, đồng chí Lê Văn Lương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, đã có bài phát biểu nhấn mạnh, cần tiếp tục triển khai quán triệt sâu rộng các nội dung về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc; tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế, giữ gìn bản sắc văn hóa... Cổng Thông tin điện tử huyện xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Bí thư Huyện ủy tại Đại hội.

Anh-tin-bai

Toàn cảnh Đại hội. Ảnh: Đình Tuân

Kính thưa Đoàn Chủ tịch đại hội!

Thưa quí vị đại biểu, khách quý! Thưa toàn thể Đại hội!

Hôm nay, tôi cùng các đồng chí lãnh đạo huyện, nguyên lãnh đạo huyện rất vui mừng, phấn khởi về dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Tương Dương lần thứ IV, năm 2024. Đây là một sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, một biểu tượng đặc biệt về khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn huyện miền núi Tương Dương chúng ta. Thay mặt Ban Thường vụ Huyện ủy, tôi nhiệt liệt chào mừng và kính chúc các vị đại biểu, khách quý, cùng 120 đại biểu chính thức của Đại hội sức khỏe, hạnh phúc. Chúc Đại hội của chúng ta thành công tốt đẹp!

Kính thưa các vị đại biểu!

Thưa toàn thể các đồng chí!

Trong không khí long trọng, trang nghiêm của Đại hội, chúng ta thành kính tưởng nhớ công lao trời biển của Bác Hồ muôn vàn kính yêu, cùng nhau nhắc nhớ lời căn dặn thiêng liêng của Người: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê đê, Xơ đăng hay Ba na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... chúng ta phải thương yêu nhau, kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vẫn luôn khắc ghi lời dạy của Bác, cụ thể hóa bằng các chủ trương, đường lối, quyết sách về xây dựng khối đại đoàn kết nói chung và trong công tác dân tộc nói riêng.

Huyện Tương Dương chúng ta là huyện biên giới, miền núi cao nằm ở phía Tây Nam Nghệ An. Là đơn vị hành chính cấp huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với 2.807,78 km2 chiếm 17% diện tích cả tỉnh, trong đó hơn 97% là rừng núi. Đây là mảnh đất có truyền thống lịch sử, văn hóa rất lâu đời (đã có cơ sở khoa học khẳng định Danh xưng Tương Dương có từ cách đây 555 năm), dân số hiện nay gần 79 nghìn người, có 6 dân tộc anh em chính cùng chung sống hòa thuận (gồm Thái, Kinh, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu và Tày Poong). Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng của miền Tây xứ Nghệ, trải qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Cấp uỷ Đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Tương Dương đã phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành quả quan trọng.

Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid – 19, kinh tế - xã hội của Tương Dương cơ bản vẫn ổn định, có bước tăng trưởng qua các năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2020-2023 đạt 5,06%, cả ba lĩnh vực kinh tế đều có bước tăng trưởng khá và chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 36 triệu đồng, tăng 19,6% so với năm 2020. Thu ngân sách năm 2023 đạt 45,591 tỷ đồng, tăng 21,3% so với năm 2020. Nhân dân đã từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong chăn nuôi, sản xuất tạo thành hàng hóa, sản phẩm để tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Một số mô hình dịch vụ du lịch sinh thái bước đầu đã được hình thành và phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Đến thời điểm này 146/146 bản trên địa bàn huyện được dùng điện lưới quốc gia.

Văn hóa - xã hội có sự chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” phát triển sâu rộng, chất lượng ngày càng cao. Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được thực hiện tốt, chỉ số hài lòng nhân dân được nâng lên. Công tác lao động, việc làm, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội được chú trọng. Các chính sách đối với người có công, chính sách dân tộc và miền núi, người nghèo, bảo trợ xã hội được thực hiện tích cực có hiệu quả. Các giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được quan tâm bảo tồn và phát huy, không chỉ trở thành một tài sản tinh thần cho con cháu mà còn là một tài nguyên mới cho sự phát triển của huyện trong giai đoạn sắp tới.

Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững; thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được tăng cường. Đặc biệt là trong công tác phòng chống ma túy, hiện nay, chúng ta xã có 16/17 xã sạch về ma túy. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đạt nhiều kết quả tích cực.

Những đổi thay của Tương Dương không chỉ ở bộ mặt của các bản làng, khối xóm mà còn là những thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc qua các phong trào thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Từ  trong các phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện nhiều những hộ đồng bào dân tộc giỏi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế trang trại, vườn rừng; mở thêm ngành nghề tiểu - thủ công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho bà con trong vùng. Nhiều các già làng, trưởng bản đã trở thành trung tâm đoàn kết các dân tộc, tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đời sống văn hoá mới ở cơ sở.

Thay mặt Ban Thường vụ Huyện ủy huyện, tôi nhiệt liệt biểu dương sự cố gắng vươn lên và những thành tựu mà cấp uỷ, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã đạt được trong thời gian qua. Đề nghị Đại hội cho một tràng pháo tay chúc mừng!

Anh-tin-bai

Các đại biểu tham dự Đại hội

Kính thưa các vị đại biểu!

Thưa toàn thể các đồng chí!

Tự hào với những thành tựu đạt được, song chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận: vùng miền núi dân tộc của huyện nhà vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và chưa vững chắc; sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, các cơ sở dịch vụ - thương mại, du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Kết cấu hạ tầng tuy đã được tăng cường nhưng vẫn còn nhiều yếu kém; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn hàng năm vẫn ở mức cao. Vấn nạn tàng trữ, buôn bán, sử dụng chất ma túy ở một số thôn bản còn diễn ra phức tạp; tình hình an ninh trật tự ở các tuyến biên giới còn tiểm ẩn nhiều thách thức; bản sắc văn hóa của một số các dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ mai một, trong khi nhiều hủ tục lạc hậu chậm được khắc phục, nhất là vấn nạn tảo hôn và tình trạng hôn nhân cận huyết làm suy kiệt nòi giống vẫn còn tồn tại. Tâm lý tự ti, mặc cảm, tư tưởng trông chờ ỷ lại ở một số nơi còn chậm được khắc phục.

Anh-tin-bai

Đồng chí Lê Văn Văn Lương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy phát biểu tại Đại hội

Thưa toàn thể Đại hội!

Tôi cơ bản đồng tình với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp mà Đại hội đại biểu các DTTS huyện lần thứ IV, năm 2024 đã báo cáo trình tại Đại hội. Đề nghị các đồng chí nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu chỉ đạo của đại diện Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh và các ý kiến tham luận tại đại hội này để triển khai thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới. Thay mặt Ban Thường vụ Huyện ủy, tôi xin nhấn mạnh, gợi mở thêm một số nhiệm vụ, giải pháp để đại hội thảo luận, xem xét, quyết định:

Thứ nhất: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc để các cấp, các ngành và nhân dân nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác Dân tộc, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước ta: Cộng đồng các dân tộc thiểu số là một bộ phận không thể tách rời và là “máu-thịt” của dân tộc Việt Nam, “no đói có nhau, sướng khổ cùng nhau”. Đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư phát triển bền vững đất nước, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội; là yếu tố có tính nền tảng để đảm bảo đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ Hai: Tiếp tục tập trung triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt là 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia: Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình Xây dựng nông thôn mới và Chương trình Giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, đặc biệt chú trọng phát triển dịch vụ du lịch theo hướng sinh thái, dựa vào cộng đồng kết hợp giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Đa dạng hoá các loại hình tổ chức kinh doanh, phát triển các trung tâm thương mại ở thị trấn, thị tứ, chợ nông thôn, đáp ứng nhu cầu hàng hoá và tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa.

Thứ Ba: Tương Dương có hơn 90% diện tích là rừng. Rừng là lá phổi của chúng ta. Với đồng bào dân tộc thiểu số, rừng trước tiên còn là tấm áo giáp góp phần bảo vệ an toàn khỏi thiên tai, lũ lụt, sạt lở. Rừng cũng là sinh kế của đồng bào. Vì thế, rất mong đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện nhận thức được giữ rừng như chính sinh mạng của mình. Cùng nhau lên án và chặn đứng tệ nạn khai thác, chặt phá rừng trái phép. Cấp ủy, chính quyền của huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, tham mưu các cấp, các ngành để ban hành cơ chế, chính sách phù hợp hơn với thực tế; từng bước để đồng bào tăng thu nhập, đảm bảo lợi ích nhiều mặt từ bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ lá phổi xanh cho đất nước, góp phần quan trọng phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Thứ Tư: Đẩy mạnh thi đua phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá - xã hội, tăng cường xã hội hoá để huy động các nguồn lực cho phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá - xã hội; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ; sưu tầm biên soạn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc, kiên quyết loại bỏ các hủ tục lạc hậu; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, khuyến nông, khuyến lâm, dịch vụ và du lịch coi đây là nguồn lực quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội miền núi trong tương lai.

Thứ Năm: tôi cùng các đồng chí lãnh đạo huyện, nguyên lãnh đạo huyện tha thiết mong muốn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tương Dương chúng ta, dù khó khăn vất vả đến đâu cũng phải cố gắng ưu tiên thời gian và tiền của, tạo mọi điều kiện để cho con em chúng ta được đến trường, được vui chơi, được học hành đến nơi, đến chốn. Chỉ có giáo dục mới là con đường duy nhất đưa bản làng, quê hương Tương Dương ta phát triển giàu mạnh được. Trong tương lai, ngày mai tươi sáng phụ thuộc vào những gì chúng ta chuẩn bị trong ngày hôm nay. Chúng ta hãy cùng vun đắp khát vọng vượt khó vươn lên, phấn đấu làm giàu chính đáng, ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Thứ Sáu: Đẩy mạnh phong trào thi đua quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc; tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các loại tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất ma tuý  qua biên giới. Làm tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, định canh định cư, ổn định dân cư khu vực biên giới, tạo mọi điều kiện để nhân dân yên tâm phát triển sản xuất, sinh sống ổn định lâu dài. Củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị gắn với xây dựng xã, thị trấn, thôn, bản vững mạnh toàn diện, an toàn làm chủ. Phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản trong việc vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực phát triển sản xuất, xây dựng bản, làng ngày càng giàu đẹp, văn minh. 

Phát huy truyền thống tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, cán bộ và nhân dân các xã biên giới tiếp tục đoàn kết, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với nhân dân các huyện vùng biên, cùng giúp nhau phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Tiếp tục duy trì, phát huy tình cảm kết nghĩa đặc biệt giữa cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc 2 huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi và Tương Dương, tỉnh Nghệ An, một mối quan hệ keo sơn mà ít có địa phương, đơn vị nào có được.

Thưa toàn thể các đồng chí! 

Phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng, một lòng son sắt theo Đảng và Bác Hồ kính yêu, Đảng bộ và nhân dân huyện nhà tin tưởng rằng, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tương Dương chúng ta tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên vượt khó, giảm nghèo, góp phần xây dựng Tương Dương ngày càng phát triển. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo huyện, nguyên lãnh đạo huyện, tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ thường xuyên của Ban Dân tộc tỉnh; Ban Dân tộc – HĐND tỉnh! Trân trọng cảm ơn tỉnh cảm của Đoàn công tác huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi đã không quản ngại đường xa, vượt hơn 800 km về chung vui với ngày hội các dân tộc thiểu số huyện Tương Dương. 

Một lần nữa, xin chúc quý vị đại biểu, cùng toàn thể đại hội sức khoẻ, hạnh phúc! Chúc đại hội thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!

Đình Tuân

 

Đình Tuân
image
Tin tức
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement