Bình luận: Về tinh thần trách nhiệm
(tuongduong.nghean.gov.vn) - Ý thức trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm càng cao càng chứng tỏ sự trưởng thành thật sự về con người về nhân cách. Hơn nữa chính nhờ sự trưởng thành, định hình về tinh thần trách nhiệm, về đạo đức và nhân cách mà ta có thể tự tin về sự thành công trong công việc, trong sự nghiệp dù khó khăn gian khó như thế nào.

Đã hơn một năm đi qua, kể từ ngày Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 thành công. Một kỳ Đại hội được chuẩn bị chu đáo nhất từ công tác nhân sự đến văn kiện Đại hội. Khi nói về chất lượng nguồn nhân lực hay bàn về đạo đức, tài năng của cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước…, nhiều người thường phân tích và nhấn mạnh yếu tố năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc… mà ít phân tích lưu ý nhiều đến tinh thần trách nhiệm của cá nhân và tổ chức.

            Trách nhiệm là thuộc phạm trù đạo đức, nhân cách, một yếu tố gốc, quan trọng bậc nhất của đạo đức, nhân cách. Tinh thần trách nhiệm nhiều khi còn được đánh giá cao hơn trình độ, năng lực cá nhân. Trách nhiệm vẫn là vấn đề cần nghiên cứu, đánh giá cán bộ, công chức và tất cả chúng ta, những người lao động, hoạt động. Vì vậy, vấn đề này cần hiểu thật sâu sắc, thật sự thấm nhuần và cụ thể hóa, chế độ hóa đầy đủ, cụ thể.

            Cùng với động cơ hoạt động là tinh thần trách nhiệm trong công việc, trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với đơn vị mình công tác, trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội, trách nhiệm với quê hương, đất nước. Chính trách nhiệm - ý thức trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm, hành động có trách nhiệm là nhân tố có tính quyết định trong hoạt động thực tiễn của con người. Có trách nhiệm thì bản thân mình sẽ thúc đẩy mình tự vươn lên học tập nâng cao trình độ, năng lực công tác, sẽ có sáng kiến và rèn luyện kỹ năng công tác - những nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc và hoạt động của mỗi người nói riêng và nguồn nhân lực nói chung.

            Nhưng cái gì tạo ra trách nhiệm? Đó là động cơ trong sáng của cá nhân, là sự tự giác, giác ngộ về nhiệm vụ được giao và ý nghĩa xã hội của nó, là những quyền hạn của cá nhân khi được tổ chức xác định, giao phó. Ta thấy những gương người tốt việc tốt, những người tử tế… là những người không chỉ có động cơ trong sáng mà còn là người có tinh thần trách nhiệm rất cao. Vấn đề là trách nhiệm cao, thấp, trung bình ở mỗi người ra sao?

            Vậy yếu tố nào cấu thành trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm? Phải chăng đó là phải thật sự biết đặt lợi ích của tập thể, của xã hội lên trên lợi ích cá nhân, không vụ lợi? Đó là đã nhận nhiệm vụ, đã có quyền hạn thì phải thực hiện tốt nhất công việc ấy về cả số lượng, chất lượng, hiệu quả. Đó là phải làm việc đến cùng cho nó hoàn tất, thành công, tránh mọi sai sót, tránh hậu quả xấu có thể xảy ra. Đó không chỉ là nhiệt tình trong công việc mà còn là sự quyết tâm vượt qua mọi trở ngại, tìm mọi giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

            Có thể nói bốn yếu tố cấu thành nội hàm của tinh thần trách nhiệm, hành động có trách nhiệm này là thuộc phạm trù đạo đức nhưng cũng bao hàm một phần phạm trù tài năng. Đó chính là những tiêu chí quan trọng để đánh giá một người, một cá nhân có tinh thần trách nhiệm hay không, tinh thần trách nhiệm cao thấp như thế nào?

            Tinh thần trách nhiệm trong công việc và trong mọi hoạt động nói chung có nhiều lĩnh vực.

            Trước nhất là trách nhiệm với bản thân. Đó là làm gì cũng không để ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu bản thân mình; không gây tổn thương cho lòng tự trọng của mình; làm gì cũng phải có lương tâm; làm gì cũng phải thể hiện hết năng lực của mình… Nhưng khi cần phải biết chịu thiệt thòi cá nhân cho lợi ích xã hội.

            Thứ hai là trách nhiệm đối với cơ quan đơn vị mình. Đó là phải tích cực xây dựng hình ảnh tốt đẹp cho đơn vị; là phải hoàn thành tốt nhất trên cương vị công tác của mình; là phải vì lợi ích của đơn vị hơn là lợi ích cá nhân mình…

            Thứ ba là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, cũng có phần tương tự như vậy, nhưng nó bao quát nội dung là có trách nhiệm với bản thân, với đơn vị mình như thế nào thì cũng phải có ý thức trách nhiệm với xã hội như vậy.

            Thứ tư là trách nhiệm trong nhiệm vụ trong công việc chuyên môn được giao.

            Chúng ta hay đề cập tình trạng vô trách nhiệm, thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức, hay nhân viên nào đó. Ai cũng cảm nhận được điều này nhưng cụ thể, nó biểu hiện ra sao? Tình trạng vô trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, chẳng hạn, đó là thái độ lơ là trong công việc, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không phê phán, thấy kẻ xấu không lên án, thấy người bị tai nạn không tìm cách giúp đỡ, cứu chữa, thấy việc không đúng nhưng không ngăn cản, đấu tranh, bất chấp hậu quả thế nào cho cộng đồng… Hoặc làm việc thì nhường khó cho người khác, lấy thuận lợi cho mình, thi hành công vụ thì đẩy khó cho dân, gây khó cho dân, hoặc cứ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau giữa các cơ quan nhà nước với nhau…

            Hiện nay, đối với người cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, cần phải làm rõ vấn đề cam kết trách nhiệm, quy trách nhiệm cá nhân. Thường khi giao nhiệm vụ, quyền hạn thường có gắn liền với trách nhiệm. Nhưng thực tế cũng cho thấy là giữa nhiệm vụ, quyền hạn với trách nhiệm thì thường trách nhiệm ít được cụ thể hóa hơn. Từ đó, sinh ra “bệnh chung chung” hay “bệnh trốn trách nhiệm”, nên khi có vấn đề thì quy trách nhiệm cá nhân thường là khoảng trống hay còn khá khó khăn hoặc chưa nghiêm, chưa trung thực. Cần thực hiện chế độ cam kết bằng văn bản về trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, có như vậy thì việc quy trách nhiệm mới khả thi. Nhưng trước hết, đó là một sức ép, một động lực để người đứng đầu thực thi thật sự trách nhiệm của mình gắn với nhiệm vụ quyền hạn được giao, không còn lơ là, trốn tránh trách nhiệm cá nhân hay đổ lỗi cho nhau nữa.

            Để nâng cao tinh thần trách nhiệm cho mỗi cá nhân trong yêu cầu hình thành nhân cách và hoàn thành các nhiệm vụ công dân, nhiệm vụ công chức, viên chức… cần có nội dung cụ thể và phương pháp giáo dục về tinh thần trách nhiệm, dám làm dám chịu trách nhiệm từ khi con người còn niên thiếu trong gia đình và ở trường học, rồi sau này là trong các tổ chức, trong xã hội. Đồng thời, phải có cơ chế, quy định cụ thể, rõ ràng và ràng buộc trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền. Phải thực sự đổi mới, cải cách trong lĩnh vực và phương diện này.

            Công tác xây dựng Đảng không chỉ về tư tưởng chính trị, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ mà cả về mặt đạo đức, lối sống, trong đó cần nêu cao nội dung tinh thần trách nhiệm, ý thức trách nhiệm của cá nhân và của tổ chức, nhất là người đứng đầu.

            Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết.

            Nhưng trước hết, bản thân mỗi người, mỗi công dân cũng cần xác định cho mình, xây dựng cho mình về trách nhiệm cá nhân đối với công việc, nhiệm vụ được giao và trách nhiệm xã hội (có cái không ai giao cả nhưng tự lương tâm mình phải làm) qua đó mà trưởng thành về nhân cách và thành công trong sự nghiệp, cũng như trong trọng trách, nghĩa vụ và quyền hạn quyền lợi của công dân của một xã hội dân chủ - pháp quyền văn minh, nhân văn.

            Còn nhớ, khi xây dựng văn kiện đại hội đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025, địa phương nào cũng quyết tâm đổi mới, cũng chọn ít nhất 3 đến 4 khâu đột phá. Nhưng đã hơn một năm rồi, việc đổi mới hay đột phát gì đó vẫn chưa thấy rõ nét? Tác phong, lề lối làm việc của cán bộ cơ sở vẫn chưa khác hơn trước đại hội là mấy?Phải chăng đó là trách nhiệm của tập thể cấp ủy nơi đó, hay của người đứng đầutổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể nơi đó chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm của mình trong bám sát và triển khai thực hiện nghị quyết đại hội?!

            Còn nhớ, dịch Covid-19 bùng phát ở Chằm Puông (Lượng Minh), lãnh đạo huyện, Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 họp khẩn cấp, trắng đêm bàn các giải pháp khoanh vùng, truy vết, dập dịch…Ngay lập tức các chiến sĩ Công an, Quân đội, cán bộ, nhân viên Trung tâm y tế- những người ở tuyến đầu đã khẩn cấp lên đường, hành quân vào Chằm Puông chống dịch. Hàng chục lá đơn của các thầy giáo, cô giáo tình nguyện đi vào Chằm Puông. Ở các địa phương từ người già đến trẻ nhỏ, từ cán bộ, công nhân, viên chức đến người nông dân…người góp tiền, kẻ góp gạo, người thì mì tôm, rau xanh, thịt, cá…người vận chuyển, người nấu ăn….tất cả đều hướng về Chằm Puông. Chốt kiểm dịch được giăng khắp nơi từ đường quốc lộ, đến huyện lộ, xã lộ thậm chí là từng con đường đi vào bản nhỏ….đều được kiểm soát chặt chẽ! Đó là tình yêu quê hương, là tinh thần chống dịch và cũng là trách nhiệm xã hội mà mọi người dân. Chỉ trong thời gian ngắn chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh. Bình yên gần như đã trở lại, ở đâu đó đã có tiếng thở phào nhẹ nhõm. Ở đâu đó lại xuất hiện những con người chủ quan, thậm chí thiếu trách nhiệm. Vì sao, dịch Covid bùng phát trở lại trên địabàn một số xã, thị trấn? Phải chăng đó là do trách nhiệm mà dẫn đến chủ quan, lơ là…chốt kiểm dịch buông bỏ, kiểm soát, quản lý công dân từ vùng dịch về lỏng lẻo hoặc công dân thiếu trách nhiệm xã hội mà dẫn đến không khai báo y tế hoặc khai báo thiếu trung thực, cơ quan chức năng không kiểm chứng lời khai của công dân; có địa phương cho công dân tự cách ly ở nhà, nhưng các cơ quan chức năng lại thiếu giám sát nghiêm ngặt, chứ không nói là buông lỏng;… Và cái kết của sự chủ quan hay thiếu trách nhiệm của ai đó đã mở lối cho dịch bùng phát, rồi lan xuống tận trung tâm huyện lỵ. Cả huyện lại lo âu, lại lao vào khoanh vùng, truy vết, cách lý, dập dịch…Nhôn Mai hay một nơi nào đó có thể tạm lắng dịch, nhưng Tam Đình, Tam Quang, thị trấn Thạch Giám lại xuất hiện các ca f0…Hay ở trong các khu cách ly vẫn chưa thực sự an toàn, có thể dẫn tới lay chéo, ấy là do việc sàng lọc và phân tích các cấp độ nguy cơ của từng f ( nguy cơ, nguy cơ cao, nguy cơ rất cao) ở đâu đó còn sơ sài, cho nên khi vào khu cách ly ở lẫn lộn với nhau dẫn đến nguy cơ lay nhiễm chéo là rất cao….

            Thay lời kết: Con người trưởng thành không chỉ về thể xác, hay về trình độ nhận thức, học vấn mà quan trọng hơn là trưởng thành về nhân cách, nhất là về ý thức trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm. Ý thức trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm càng cao càng chứng tỏ sự trưởng thành thật sự về con người về nhân cách. Hơn nữa chính nhờ sự trưởng thành, định hình về tinh thần trách nhiệm, về đạo đức và nhân cách mà ta có thể tự tin về sự thành công trong công việc, trong sự nghiệp dù khó khăn gian khó như thế nào. Trước thềm năm mới xin mạo muội trao đổi đôi chút về trách nhiệm, nhưng mong sao năm mới này và những năm mới nữa, ý thức trách nhiệm, tinh thần trách,…của mỗi công dân, trước hết là cán bộ, đảng viên của chúng ta sẽ phát huy tốt hơn.

                                                                          Vi Tân Hợi

image
Tin tức
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement